Báo hiếu và báo hại

ANTĐ - Nếu đầu óc tôi chưa đến mức lú lẫn thì ngày xưa làm gì có ngày lễ Vu Lan, ngày Báo hiếu. Chỉ nhớ có ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân.

- Tôi cũng nhớ như thế. Bây giờ không phải vì phú quý sinh lễ nghĩa, nên mới nghĩ ra ngày Báo hiếu đâu. Ngày đó có từ xa xưa, chỉ có điều nhiều người lãng quên vì thế phải “ôn cố tri tân”, nhắc nhở mỗi người ghi nhớ và giữ lấy đạo hiếu.

- Hiểu rồi! Trong mười điều răn của nhà Phật thì bất hiếu là tội nặng nhất của con người. Thời trước thiếu ăn, thiếu mặc làm gì có ngày lễ Báo hiếu mà mọi nhà, mọi người đều lấy chữ hiếu làm đầu. Thời nay, nảy nòi bao kẻ nghịch tử không chỉ bất hiếu với ông bà, cha mẹ mà còn…

- Theo tôi, báo hiếu không chỉ trong một ngày mà là cả đời. Không chỉ là mâm cao, cỗ đầy, hưởng thụ này nọ. Cũng không chỉ là con trai hay con gái, con dâu hay con rể. Giữ được đạo hiếu thì nếp nhà hòa thuận, trên kính dưới nhường, khó xảy ra cảnh tan cửa, nát nhà.

- Thú thật như ở tuổi tôi, tuổi ông thèm khát, đòi hỏi gì nữa đâu. Chẳng mong con cháu phải báo hiếu “ồn ào, to tát” gì. Đối nhân, xử thế hàng ngày có trên, có dưới mới là “báo hiếu” thật sự.

- Tôi luôn nghĩ, làm cha làm mẹ thì phải làm gương cho con cháu. Mình cứ sống hết mình, hết lòng, chúng có báo hiếu hay không thì tùy. Chớ đòi hỏi gì.

- Làm cha mẹ mấy ai đòi hỏi gì. “Nước mắt chảy xuôi” mà! Cầu mong chúng đừng báo hại là nhà có phúc rồi, chứ đâu cần báo hiếu, báo nghĩa to chuyện.

- Phương Tây có câu: “Con cái đẻ ra không phải của ta, mà tai họa của chúng mới là của ta”.