Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán đến 100%

ANTĐ - Bắt đầu từ 1-1-2015, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi bắt đầu có hiệu lực. Được đánh giá là có nhiều điểm mới mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia BHYT nhưng cũng có ý kiến cho rằng, trong Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi cũng có những điểm vẫn chưa phù hợp, như bắt buộc 100% người dân phải tham gia. 

Người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách BHYT mới

Rất nhiều ưu điểm

Điều rất dễ nhận ra, là Luật BHYT sửa đổi đã khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện hành, mở rộng phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT. Theo đó Luật quy định rõ: bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số… đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hoặc đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với các đối tượng ưu tiên (thân nhân của người có công; người nghèo).

Một điểm mới nữa là quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng gần 7 triệu đồng). Các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cũng sẽ được quỹ BHYT thanh toán. Từ 1-1-2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trong cùng 1 tỉnh. Mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương khi điều trị nội trú đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số…. Điều này có nghĩa là người dân được quyền khám chữa bệnh tại bất cứ trạm y tế xã, phòng khám trong toàn huyện mà vẫn được BHYT thanh toán 100%. Đây là quy định tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh BHYT để họ không bị ràng buộc vào nơi đã đăng ký khám chữa bệnh như thời gian qua.

Luật mới cũng khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình. Theo đó sẽ đưa ra cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi, người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.

Sẽ có sự khác biệt

Có một thực tế, hiện nay số người tham gia BHYT vẫn còn thấp, nhất là tham gia tự nguyện. Lý do được đưa ra là, đại đa số người dân vẫn “ác cảm” với việc đi khám chữa bệnh bằng BHYT. Họ cho rằng, khi đi khám bảo hiểm họ sẽ bị “hành”, gây phiền toái, khó khăn. Do đó, nhiều người dù có BHYT nhưng khi đi khám chữa bệnh vẫn không sử dụng mà chọn hình thức “dịch vụ” với hy vọng được đáp ứng nhanh và tốt hơn.

TS Lê Hưng, Giám đốc bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) lại có cái nhìn rất khác về vấn đề này. TS Lê Hưng cho biết, ngoài việc người dân ngại khi đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT thì còn một lý do khác. Đó là hiện nay, chất lượng khám chữa bệnh khi có BHYT chưa tốt, thêm vào đó là tiền được hưởng chưa lớn nên người dân chưa mặn mà tham gia. “Mức thu của người bệnh hiện nay chỉ được 3/7, nghĩa là cần 7 yếu tố để vận hành bệnh viện thì số tiền thu của bệnh nhân được có 3 phần. Theo đúng lộ trình, đến năm 2018, các bệnh viện sẽ thu đủ cả 7 phần trên, lúc đó đi khám bệnh sẽ rất đắt đỏ. Sự khác nhau giữa người có BHYT và không đóng sẽ có sự khác biệt rất lớn. Chắc chắn lúc đó, vì quyền lợi của mình, mỗi người dân đều phải mua BHYT”, TS Lê Hưng nói.