Bảo hiểm xã hội ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ để có thể xử lý cơ sở dữ liệu của đối tượng thanh tra kiểm tra từ đó rút ngắn được thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Bảo hiểm xã hội lưu ý chỉ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Bảo hiểm xã hội lưu ý chỉ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Giảm nợ đọng nhờ thanh tra chuyên ngành

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, 9 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng với các biện pháp “giãn cách xã hội” đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nói chung; từ đó gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chung của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó có hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2020, ngành Bảo hiểm xã hội đã thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch tại 3.155 đơn vị, đạt 59,09% kế hoạch. Cùng với đó, tổ chức thực hiện 1.384 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 1.808 đơn vị.

Qua đó, đã phát hiện 4.998 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với số tiền phải truy đóng là 44.759 triệu đồng; phát hiện 13.772 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 56.733 triệu đồng.

Đáng chú ý, tỷ lệ thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp qua công tác thanh tra, kiểm tra toàn ngành đạt 91,39%.

Theo ông Lê Hùng Sơn, do dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp nên việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 toàn ngành còn chậm, không đúng tiến độ. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận, công tác thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã góp phần quan trọng đảm bảo quyền lợi của người tham gia, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các đơn vị sử dụng lao động, tổ chức, cá nhân.

Chỉ thanh tra các doanh nghiệp ít ảnh hưởng bởi Covid-19

Chỉ ra những khó khăn trong công tác thanh tra chuyên ngành ông Dương Văn Hào – Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết), thực tế hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho thấy, một số địa phương mới chỉ tập trung vào phương thức đóng nhằm đôn đốc thu nợ, chưa triển khai đầy đủ 3 nội dung (đối tượng tham gia, mức tham gia và phương thức đóng) dẫn đến hiệu quả chưa cao, nhiều cuộc thanh tra chỉ mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, các đơn vị sử dụng lao động cũng chưa nhận thức đầy đủ về các quy định của pháp luật về thanh tra hoặc còn coi thường pháp luật nên không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không thực hiện kết luận thanh tra chuyên ngành, thậm chí cản trở, không hợp tác…

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện theo quyết định điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2020.

Theo ông Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, việc thanh tra, kiểm tra cần hướng đến hiệu quả sau khi thực hiện. Cho nên, cần xác định và phân loại rõ các đơn vị trước khi thanh tra, kiểm tra; đồng thời, cần áp dụng triệt để công nghệ thông tin để sàng lọc dữ liệu trước khi xuống đơn vị thanh tra, kiểm tra trực tiếp.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam lưu ý, thanh tra, kiểm tra không ngoài kế hoạch; hạn chế thời gian làm việc trực tiếp tại đơn vị và chỉ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có dấu hiệu vi phạm qua rà soát trên cơ sở dữ liệu hoặc được cấp có thẩm quyền giao.

Tin cùng chuyên mục