Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:

Bảo hiểm tiền gửi tối đa quá thấp

ANTĐ - Sáng 3-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi và Tài nguyên nước (sửa đổi). Nhiều ĐBQH băn khoăn về mức bảo hiểm tối đa chỉ dừng ở mức 50 triệu đồng, không đủ hấp dẫn để huy động nguồn lực lớn trong nhân dân.

Mức bảo hiểm cần hợp lý để khuyến khích người dân gửi tiền

Cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi, ĐBQH Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, quy định như dự thảo sẽ khó huy động được nguồn lực trong dân. Người dân sẽ có xu hướng cất tiền vào két thay vì gửi ngân hàng. Ông Phạm Quang Nghị cho rằng, mức bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng là thấp, không khuyến khích người dân gửi những khoản tiền lớn vào ngân hàng. Nên quy định mức bảo hiểm theo tỷ lệ % tính trên số tiền gửi sẽ hợp lý hơn.

Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, khi vẫn chưa thể triệt để chống “đô la hóa” thì không nên chỉ bảo hiểm đối với đồng nội tệ. Pháp luật vẫn đang thừa nhận người dân có tài khoản vàng, ngoại tệ trong ngân hàng mà họ lại không được bảo hiểm là bất hợp lý. Do đó, nên cho phép bảo hiểm đối với mọi đồng tiền, nhưng thu phí khác nhau. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị nghiên cứu áp dụng BHTG đối với ngoại tệ, vì như vậy mới phù hợp với tình hình thực tế là các tổ chức tín dụng vẫn huy động một lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, mức chi trả của Bảo hiểm tiền gửi với người gửi tiền khi xảy ra rủi ro là 50 triệu đồng trong thời điểm hiện nay đã không còn phù hợp. Kinh nghiệm ở các nước là mức chi trả thường cao hơn khoảng 1-2 lần thu nhập bình quân đầu người như châu Âu là khoảng 50.000 USD nhưng ở Việt Nam, dù mức 50 triệu đồng là cao hơn hai lần so với thu nhập bình quân nhưng vẫn là mức thấp vì tốc độ trượt giá hiện nay.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết do thiếu thông tin, xã hội đang có sự ngộ nhận là tất cả tiền gửi vào ngân hàng đều được nhà nước đứng sau bảo lãnh. Ông nói: “Tình thế hiện nay đang khó khăn nhưng ngân hàng vẫn lãi lớn. Lãi ngân hàng hưởng, lỗ lại đẩy cho người dân và nhà nước chịu là rất nguy hiểm. Cần thông báo rõ ràng để người dân ý thức được việc lựa chọn ngân hàng uy tín khi gửi tiền”.

Về mức bảo hiểm, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng cần nâng lên khoảng 150-200 triệu đồng vì mức chi trả 50 triệu đồng, tương đương 2,5 lần thu nhập bình quân đầu người là “quá thấp, không an toàn đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay”. Cùng quan điểm với Bí thư Thành ủy Hà Nội, ĐB  Trần Hoàng Ngân cho rằng, chủ trương chung là chống đô la hóa nhưng nếu không bảo hiểm sẽ khiến người dân không muốn gửi đô la, vàng ngân hàng, trong khi niềm tin vào đồng Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao. Do đó, cần quy định bảo hiểm cả ngoại tệ, vàng trong một thời gian nữa sau đó sẽ sửa đổi, bổ sung luật sau.

Phạt hành chính tăng lên 2 tỷ đồng

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quảng cáo; Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, các mức phạt đề nghị đều tăng từ 4-5 lần. Cụ thể, mức phạt tối thiểu tăng từ 10 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng, mức phạt tối đa tăng từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng. Mức phạt tối đa đến 2 tỷ đồng được quy định đối với 5 lĩnh vực là quản lý các vùng biển và thềm lục địa; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; quản lý rừng, lâm sản; quản lý tiền tệ, tín dụng, chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý tài nguyên nước, dầu khí và các khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, đất đai... Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc tăng mức phạt tiền là cần thiết, để bảo đảm tính răn đe, phù hợp với thực tiễn, nhưng cần cân nhắc mức tăng bao nhiêu là hợp lý. Mặt khác, không nên chỉ chú trọng nâng mức xử phạt tiền mà cần quan tâm các giải pháp khác. Chẳng hạn, đối với hành vi xây dựng trái phép, ngoài việc phạt hành chính, áp dụng nghiêm biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” sẽ có tác dụng tốt hơn, tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại”.

Tin cùng chuyên mục