Bao giờ mới hết nhàm chán

ANTĐ - Việc Việt Nam mới đây được đánh giá cao về sự gia tăng thông thạo tiếng Anh là tín hiệu đáng mừng cho nguồn nhân lực trẻ. Tuy nhiên, thực tế việc dạy tiếng Anh trong trường học vẫn khiến cô giáo Đinh Thị Phương Anh, Phó Hiệu trưởng trường THCS Lê Ngọc Hân lo lắng khi còn khoảng cách lớn giữa đào tạo và nhu cầu xã hội.

- Nhiều người cho rằng, việc được đánh giá cao là do học sinh tìm thầy, tìm lớp tiếng Anh bên ngoài chứ không phụ thuộc vào việc học tiếng Anh trong trường?

- Đúng là riêng với môn tiếng Anh thì chương trình trong nhà trường chỉ đảm bảo ở yêu cầu chuẩn kiến thức với mỗi cấp học, chứ chưa thể đáp ứng hết nhu cầu đa dạng của người học. Đặc biệt, đây là môn học được nhiều phụ huynh đầu tư quan tâm với mục đích khác nhau nên việc tìm đến các trung tâm trong nước, quốc tế hay các thầy cô ngoài nhà trường là điều dễ hiểu.

- Để đạt được trình độ tiếng Anh giao tiếp thông thường cho học sinh, các trường điều chỉnh như thế nào, thưa cô?

- Để tiếng Anh trong  trường đáp ứng hệ thống chứng chỉ châu Âu theo quy định của Bộ GD-ĐT thì trước hết các trường phải đầu tư bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn trong thời gian ngắn nhất. Bản thân mỗi giáo viên cũng phải tự ý thức và nỗ lực để đảm bảo giờ dạy, vừa tự bồi dưỡng chuyên môn.

- Chương trình tiếng Anh trong trường học vẫn bị lặp lại, gây lãng phí thời gian, chi phí, vậy làm thế nào để học sinh không nhàm chán khi chuyển cấp?

- Phải học lại từ đầu với một học sinh đã học ngoại ngữ từ năm lớp 1 thì đúng là lãng phí, nhưng rõ ràng chương trình vẫn phải đáp ứng cả với những học sinh chưa được học. Rất mong là sắp tới, tiếng Anh trong trường học sẽ được triển khai một cách đồng bộ, liền mạch để đáp ứng được yêu cầu của người học.