Báo động tình trạng hóc dị vật ở trẻ em

ANTĐ - Trong vòng nửa tháng trở lại đây, tại Hà Nội và TP.HCM đã tiếp nhận và cấp cứu nhiều trường hợp hóc dị vật ở trẻ nhỏ. Đáng báo động, những trường hợp này đều là các bé nhỏ, hóc phải những dị vật nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng.
Vừa qua, theo nguồn tin từ BV Nhi đồng 2, BV đã tiếp nhận và cấp cứu cho một bé trai 18 tháng tuổi bị hóc đồng tiền xu. Theo đó, bé N.Đ.H, (18 tháng tuổi ở Q7, TP.HCM) đã nhập viện trong tình trạng nôn ói nhiều, kèm ho. Gia đình bé cho biết, do gia đình bất cẩn, không chú ý, bé H. đã vơ được đồng tiền xu và cho vào miệng nuốt. Tại BV, bé được chụp X-quang ngực và phát hiện dị vật cản quang hình tròn, nghi là ở thực quản đoạn cao.
Sau đó bé được chuyển vào khoa Liên chuyên khoa và bằng các phương tiện nội soi, các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 đã gắp ra được dị vật là đồng xu kẹt ở miệng thực quản của bé. Sau khi được lấy dị vật ra khỏi thực quản, sức khỏe của bé N.Đ.H đã hồi phục, ăn uống bình thường.
Báo động tình trạng hóc dị vật ở trẻ em ảnh 1

Báo động tình trạng hóc dị vật ở trẻ em ảnh 2
Đoạn găng tay cao su và 4 hạt kim loại có từ tính giống nam châm khiến bé gặp nguy hiểm
Không chỉ trường hợp của bé H. ở Tp.HCM nói trên, bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội giữa tháng 2-2014 vừa qua cũng đã tiếp nhận và cấp cứu cho một số trường hợp hóc dị vật nguy hiểm. Trường hợp thứ nhất là cháu Đào P.A. (2 tuổi, ở Bắc Ninh), được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng li bì, suy hô hấp. Theo người nhà bệnh nhân, cháu bé đã nuốt phải đoạn găng tay bằng cao su do mẹ bé bất cẩn để lại sau khi tra thuốc nhỏ mắt cho bé. Sau khi tiến hành ca nội soi phế quản, các bác sĩ tại BV đã gắp ra được dị vật là đoạn găng cao su kích thước 5 x 1.5 cm. Trường hợp thứ hai là cháu trai Lê M. N. (13 tháng tuổi), được BV Sản Nhi Vĩnh Phúc chuyển lên trong tình trạng quấy khóc, thở ậm ạch, sưng vùng đỉnh đầu do ngã ngửa đập đầu xuống đất khi chơi tại nhà. Trẻ được chẩn đoán chấn thương sọ não, viêm phế quản phổi và nghi ngờ có dị vật ở trong đường thở. Gia đình bé N. cho biết, cháu bị ngã và trước khi ngã có ngậm hạt ngô trong miệng. Các bác sĩ đã nội soi gắp ra được hạt ngô nằm trong phế quản của cháu. Một trường hợp nữa cũng rất nguy hiểm, đó là trường hợp của bé P.D.K (trú tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), nữ, 14 tháng tuổi, bị hóc các hạt nhỏ đính trên chiếc vương miện đồ chơi. Theo người nhà của cháu, 3 ngày trước khi nhập viện, cháu quấy khóc, ăn uống kém hơn những ngày trước đó, không đi ngoài được. 
Qua thăm khám và chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện có hình ảnh của dị vật trong bụng của bé. Chẩn đoán tắc ruột do nuốt phải dị vật, bé K đã được các bác sĩ mổ nội soi cấp cứu. Các bác sĩ đã gắp ra được dị vật hình trụ đường kính 0.5cm, dài 1 cm. 
Theo các bác sĩ, dị vật này chính là 4 hạt kim loại có từ tính giống như nam châm, có khả năng hút nhau. 

Báo động tình trạng hóc dị vật ở trẻ em ảnh 3

Báo động tình trạng hóc dị vật ở trẻ em ảnh 4
Khi bé bị hóc dị vật, hãy cố gắng sử dụng ngay các biện pháp tống dị vật ra ngoài 
Qua những trường hợp nguy hiểm trên, các bác sỹ khuyến cáo: các bậc cha mẹ nên chú ý không cho các bé chơi những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ như cúc áo, đồng xu, kẹp tóc… vì các bé thường có thói quen bỏ vật lạ vào miệng, mũi, tai. Các loại dị vật này có thể kẹt ở thực quản, nguy hiểm hơn nếu đi vào đường thở là thanh-khí-phế quản có thể gây tử vong nếu không lấy dị vật ra kịp thời. 

Khi trẻ nuốt phải dị vật cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng, mở miệng trẻ và lấy những dị vật nhìn thấy được ra, nâng cằm hoặc đẩy hàm để làm thông thoáng đường thở. Cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, điều này trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng gây sưng tấy, trẻ càng khó thở hơn. Nếu các thao tác trên không có hiệu quả, thì hãy cố gắng sử dụng ngay các biện pháp tống dị vật ra ngoài như: Vỗ lưng và ấn ngực nhằm tống bỏ dị vật ra ngoài và làm thông thoáng đường thở. Sau đó phải đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, tư vấn và xử lý kịp thời.
Nhân trường hợp này, chúng tôi cảnh báo các quý cha mẹ nên chú ý không cho các bé chơi những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ như  cúc áo, đồng xu, kẹp tóc… vì các bé thường có thói quen bỏ vật lạ vào miệng, mũi, tai. Các loại dị vật này có thể kẹt ở thực quản, nguy hiểm hơn nếu đi vào đường thở là thanh-khí-phế quản có thể gây tử vong nếu không lấy dị vật ra kịp thời.