Nông nghiệp tăng trưởng âm:

Báo động lối sản xuất manh mún, thủ công

ANTĐ - Nhiều năm qua, nông nghiệp luôn được nhìn nhận là “bà đỡ” của nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên sau 10 năm tăng trưởng liên tiếp, nông nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng âm. Đây có phải là hệ quả tất yếu của một nền nông nghiệp manh mún trong bối cảnh hội nhập ngày càng mạnh mẽ?

Sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết khiến nông sản Việt Nam có giá trị thấp

Tăng trưởng âm 0,18%

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2005 đến nay, nông nghiệp Việt Nam luôn giữ nhịp độ tăng trưởng ở mức 4%-5%. Tuy nhiên, theo Vụ Kế hoạch (Bộ NN&TNT), 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã giảm 0,18%. Giá trị sản xuất nông lâm sản và thủy sản ước đạt 397.400 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp đạt 297.200 tỷ đồng, giảm 0,7% (lĩnh vực giảm mạnh nhất là trồng trọt với 3%).

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Thị Hồng cho rằng, khó khăn kép đang đe dọa hoạt động sản xuất nông nghiệp, bao gồm thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch và xuất nhập khẩu của các nước ngày càng chặt trong khi thiên tai và môi trường có biến động mạnh đã kéo lùi đà tăng trưởng của nông nghiệp.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông tin, có 2 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là trồng trọt và thủy sản và đây là nguyên nhân chính làm nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm. “Trồng trọt đang chịu ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu. Rét đậm rét hại ở miền Bắc và khô hạn, xâm nhập mặn kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền Trung đã khiến hàng trăm nghìn hecta đất nông nghiệp không thể trồng lúa, nuôi thủy sản do thiếu nước, diện tích canh tác được thì năng suất giảm”.

Theo đó, chỉ trong vụ lúa đông xuân 2016, sản lượng lúa gạo đã giảm 1,326 triệu tấn so với năm 2015. Bộ KH-ĐT ước tính, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam.

Ứng dụng khoa học công nghệ vực dậy nông nghiệp

Theo một số chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân của việc nông nghiệp tăng trưởng âm không chỉ bởi thiên tai. Theo ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), điều đáng lo nhất hiện nay trong ngành nông nghiệp là không phá vỡ được vòng luẩn quẩn. Nông nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thị trường thế giới, muốn bán hàng ở những thị trường khó tính nhưng sản xuất trong nước lại được tổ chức theo cách manh mún, nhỏ lẻ, chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh khiến sức mạnh nội tại của ngành yếu đi. “Chúng ta cần phải thay đổi, phải làm thế nào đưa nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất lớn. Làm thế nào để nông dân của chúng ta không chỉ là những “chiếc máy” sản xuất thụ động...”, ông Phạm Tất Thắng đặt vấn đề. 

Còn ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách chiến lược NN&PTNT (Bộ NN&PTNT) cho rằng, xuất phát điểm của ngành nông nghiệp nước ta rất thấp, quy mô đất đai nông nghiệp Việt Nam thuộc diện nhỏ. Trong khi đó, quy trình canh tác, sản xuất hàng chục năm nay không được tổ chức, sắp xếp lại, không có sự đột phá trong tập quán sản xuất. Các doanh nghiệp nông nghiệp đa số nhỏ và yếu, lại không có sự liên kết, tương trợ nhau, và đặc biệt là không liên kết với nông dân.

Theo ông Đặng Kim Sơn, nguồn lực toàn xã hội đầu tư vào ngành nông nghiệp những năm qua luôn ở mức 5% trở xuống, hạ tầng lạc hậu, công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp thì yếu kém. Bởi vậy, 80% sản phẩm nông lâm sản và thủy sản là bán thô. “Các nước mua nguyên liệu thô của Việt Nam về chế biến, bán ra thị trường thế giới cho giá trị cao, thu lời cao. Nông dân Việt Nam thì phải đầu tư nhiều, chịu nhiều rủi ro trong sản xuất nhưng giá trị hưởng lợi trong chuỗi này lại cực thấp”, ông Đặng Kim Sơn bày tỏ.

Theo ông Đặng Kim Sơn, giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài nhất hiện nay để vực dậy ngành nông nghiệp là phải dựa vào khoa học công nghệ và chính sách. “Chúng ta phải tự tạo đột phá. Cơ sở hạ tầng phải được xây dựng ở vùng nông thôn chứ không chỉ tập trung vào thành thị. Cần đẩy mạnh việc đưa khoa học công nghệ về nông thôn, vào nông nghiệp. Nông dân phải làm chủ được khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp”, ông Đặng Kim Sơn kiến nghị.