Báo động chứng rối nhiễu tâm trí ở trẻ em

ANTĐ - Tăng động giảm chú ý, trầm cảm, tự kỷ, rối nhiễu hành vi nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, nhiều trường hợp trẻ đã có hành động dại dột như đánh nhau, tự thương, tự tử… Điều đáng báo động là hiện tượng này ngày càng tăng, ngoài nguyên nhân do tổn thương gene thì một nguyên nhân quan trọng khác chính là môi trường sống, sự giáo dục của cha mẹ. 

Báo động chứng rối nhiễu tâm trí ở trẻ em ảnh 1Ngày càng có nhiều trẻ mắc rối nhiễu tâm trí. Ảnh: Internet

                                                

Hàng chục năm công tác trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em, ThS.BS Phạm Bích Hà, Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cảm thấy vô cùng lo lắng khi chứng kiến rất nhiều đứa trẻ sinh ra hoàn toàn bình thường hoặc chỉ chậm hơn những đứa trẻ khác một chút, nhưng vì sự thờ ơ hay cách chăm sóc, giáo dục sai lầm của cha mẹ đã trở thành những đứa trẻ bị tổn thương về tâm trí.

 “Trẻ rối nhiễu tâm trí với những bệnh có tổn thương não, nguyên nhân chủ yếu do di truyền, đột biến gene. Nhưng đa phần các trường hợp mà tôi từng gặp và tư vấn đều do sự thiếu quan tâm, dạy dỗ sai cách của cha mẹ. Có những rối nhiễu chưa có tổn thương não (chưa thành bệnh), nếu bố mẹ không phát hiện sớm và dạy dỗ không đúng sẽ rất dễ trở thành bệnh” - ThS.BS Phạm Bích Hà cho biết - “Chẳng hạn cùng là đứa trẻ chậm hơn những đứa trẻ bình thường, nếu cha mẹ quan tâm, biết cách kích thích sự phát triển của con thì nó sẽ sớm bắt nhịp với những đứa trẻ khác. Nhưng nếu cha mẹ thờ ơ, thì cái chậm nọ đè lên cái chậm kia, lâu dần sẽ trở thành bệnh”.

Đáng tiếc là hiện nay, một phần do cha mẹ bận rộn, thiếu quan tâm, không gian sống của trẻ bị thu hẹp, trẻ ít được tương tác với người khác, lại bị cha mẹ “đầu độc” bằng những thiết bị công nghệ hiện đại gây nghiện khiến số trẻ bị rối nhiễu tâm trí gia tăng. Điều đáng nói là các bậc cha mẹ trẻ hiện nay thường rất quan tâm đến phát triển thể chất của con, ăn uống ra sao, cân nặng, chiều cao bao nhiêu là đủ… nhưng lại thiếu kiến thức về sức khỏe tâm thần của trẻ.

Từ nguyên do đó dẫn đến việc có nhiều trẻ khi phát hiện bệnh thì đã muộn, việc điều trị trở nên khó khăn. “Có rất nhiều cha mẹ khi đến với chúng tôi cho biết con mình rất ngoan, cứ ngồi chơi tha thẩn một mình, xem tivi hoặc điện thoại di động là cha mẹ có thể thoải mái làm việc. Họ không biết con họ như vậy là cũng bất thường, bởi đứa trẻ phải có sự tương tác với bên ngoài, tương tác với người khác. Lại có người cho biết con họ rất thông minh, hiếu động, chỉ có điều không chú ý đến những lời người lớn dặn dò, trong lớp đùa nghịch và hay tỏ thái độ chống đối cha mẹ.

Đó cũng có thể là những bất thường về tâm lý”, ThS.BS Phạm Bích Hà cho biết. Hiện nay rất nhiều các em học sinh ngay cả từ cấp I đã có những hành vi tiêu cực như đánh nhau, trầm cảm, tự thương, tự tử… Theo ThS.BS Phạm Bích Hà, phần lớn những em học sinh dễ “gây hấn”, phản ứng một cách thái quá thường là những đứa trẻ khi nhỏ chưa được xây dựng nền tảng cảm xúc tốt, vì vậy luôn trong tâm thế chống đối.

Điều này, phần lỗi lớn cũng thuộc về cha mẹ - “Nhiều bậc cha mẹ hay quan niệm trẻ con thì biết gì, nên có những hành xử thiếu cân nhắc, nhưng sự thật không phải như vậy. Ngay cả đứa trẻ sơ sinh, khi ở trong bào thai vô cùng ấm áp, an toàn, nhưng ra ngoài nó thường giật mình, như vậy là nó đã cảm thấy sợ, không an toàn. Nếu cha mẹ âu yếm, vuốt ve, thủ thỉ với nó thì nó sẽ cảm thấy yên tâm. Tương tự với những đứa trẻ lớn hơn, nó luôn mong muốn được cha mẹ yêu thương, nhưng nếu không được đáp ứng, sẽ quay ra chống đối. Đứa trẻ được yêu thương, khích lệ sẽ tự tin, còn đứa trẻ hay bị quát mắng, chê trách sẽ tự thu mình lại…”. 

Vì vậy, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, dù rối nhiễu tâm trí là bệnh của trẻ em, nhưng cha mẹ lại chính là những người phải tác động nhiều nhất để họ thay đổi hành vi, cách nuôi dạy, giáo dục con cái. Chẳng hạn như với một đứa trẻ chậm phát triển cha mẹ chỉ cần dành thêm thời gian để chơi với con.

ThS.BS Phạm Bích Hà lấy ví dụ: “Như một cặp vợ chồng nọ, trước đây, con nghịch gì, ông bà cha mẹ cũng ngăn cản, động vào đồ thì sợ bừa bãi, sợ bị thương, ra sân, vườn nghịch thì sợ bị bẩn… Như vậy, chính cha mẹ đã giết chết khả năng khám phá của trẻ, dẫn đến chậm phát triển trí tuệ. Chúng tôi luôn tư vấn cha mẹ cần bỏ thời gian giúp trẻ khám phá, tương tác với môi trường xung quanh, chẳng hạn con muốn ra vườn, hãy ra vườn với nó, giải thích cho nó về cây cỏ xung quanh… Sau 1 tuần quay lại, họ nói con họ đã tiến bộ rõ rệt. Điều đó cho thấy, những đứa trẻ như vậy, lỗi là do chính cha mẹ”.