Báo chí với vai trò mở ra tương lai cho trẻ em vùng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Smartphone hiện nay đã phủ khắp các bản làng dân tộc, đặc biệt là trong đại dịch, các em được học online, việc tiếp cận với công nghệ trở nên dễ dàng hơn. Các em hiện nay đang truy cập Tiktok, Youtube, Facebook thường xuyên và liên tục nhưng báo chí-một kênh thông tin chính thống lại chưa tìm được cách hấp dẫn giới trẻ tại các bản làng.

Sáng 16/6, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái". Chương trình nhằm thúc đẩy sự tham gia của báo chí trong giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Tạp chí Ngày Nay đồng tổ chức.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, trong công cuộc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, UNESCO ghi nhận sức mạnh không thể phủ nhận của báo chí trong việc tạo ra ảnh hưởng tới công chúng và kêu gọi các bên liên quan thực hiện các hành động cần thiết. UNESCO tin tưởng báo chí trong việc khắc họa những hình ảnh đa chiều tích cực về phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, đồng thời kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy nền giáo dục công bằng, an toàn và không phân biệt đối xử cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái.

Nhà báo Đinh Đức Hoàng làm diễn giả tại buổi tọa đàm

Nhà báo Đinh Đức Hoàng làm diễn giả tại buổi tọa đàm

Tại hội thảo, Tổng thư ký Hội nữ trí thức Việt Nam TS. Phan Thị Thùy Trâm đã cùng với các diễn giả trình bày nhiều góc nhìn chân thật, sinh động về cuộc sống thực tế, những giải pháp và sự tham gia của báo chí trong việc giáo dục, xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn cho trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Nhà báo Đinh Đức Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO (Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam) mang đến tọa đàm góc nhìn về vai trò can thiệp của báo chí trong vấn đề giáo dục của trẻ em gái dân tộc thiểu số. Đó là câu chuyện của em Vàng Thị Nga, Hoàng Su Phì, Hà Giang được đăng trên tờ báo điện tử hàng đầu của Việt Nam. Trong bài báo đó, Nga đã nói, em sẽ tử tự ngay nếu bố bắt em nghỉ học. Em mơ ước trở thành bác sĩ.

Ngay khi bài báo đó được đăng lên, nhiều cá nhân đã đồng loạt gọi điện về tòa soạn xin được hỗ trợ cho em Nga tiếp tục được đến trường. Hoặc cá biệt có không ít trường hợp hứa hẹn sẽ xin chuyển khoản 1 số tiền, sau khi ban tổ chức bắt tay vào thực hiện các hoạt động giúp đỡ Nga không bỏ học.

Đối với trường hợp này, Ban tổ chức chưa nhận quyên góp ngay mà chờ tới 1 tháng sau, khi trở lại Hoàng Su Phì để gặp Nga, họ mới điện lại cho từng cá nhân với mong muốn, những người giúp đỡ sẽ có những lời động viên, chia sẻ với Nga trước khi chuyển tiền giúp đỡ cô.

Cô bé Mua 9 tuổi bị liệt có mơ ước được đến trường mà nhà báo Nguyễn Bông Mai gặp trên hành trình 99 ngày xuyên Việt đến với các cộng đồng dân tộc thiểu số

Cô bé Mua 9 tuổi bị liệt có mơ ước được đến trường mà nhà báo Nguyễn Bông Mai gặp trên hành trình 99 ngày xuyên Việt đến với các cộng đồng dân tộc thiểu số

Kết quả thật bất ngờ, nhiều người đã quên mất cô bé Vàng Thị Nga khi ấy và họ từ chối giúp đỡ để chuyển sang các trường hợp khác cần được giúp đỡ trong thời gian gần đây.

Hiện nay, Vàng Thị Nga đã bỏ học theo yêu cầu của bố nhưng em không tự tử. Còn nhà báo Đinh Đức Hoàng thì rất buồn. Anh cho biết, việc cá biệt hóa các tình huống, các nhân vật là một thói quen của báo chí. Điều đó làm cho tin tức của chúng ta hấp dẫn hơn. Nhưng điều này cũng tạo ra những hệ lụy.

Đầu tiên, độc giả sẽ tự dán nhãn, Nga là người dân tộc. Người Mông họ thế mà, bỏ học suốt. Thứ hai là như trong câu chuyện đã chia sẻ, báo chí tạo ra một phong cách can thiệp theo tình huống.

Nhà báo Đinh Đức Hoàng rút ra một nhận xét: "Trách nhiệm của báo chí, có lẽ là đủ nhạy cảm để tránh đi sự cá biết hóa này".

Vừa trở về từ Hành trình 99 ngày xuyên Việt đến với các cộng đồng dân tộc thiểu số, nhà báo Nguyễn Bông Mai (Tạp chí Ngày Nay) chia sẻ, tỉ lệ đồng bào dùng smart phone hiện nay cũng đã phủ đầy thôn bản. Trẻ em nông thôn, miền núi ngày nay cũng như trẻ em thành phố ôm điện thoại, thiết bị điện tử mỗi ngày.

Câu hỏi đặt ra là, báo chí hôm nay có thể làm được gì trong việc thúc đẩy nhân thức về giá trị của bản thân, về tương lai của chính những đứa trẻ có đôi mắt long lanh mà Bông Mai đã gặp nơi vùng cao?

Nhà báo Bông Mai xuất hiện tại buổi tọa đàm trong trang phục của đồng bào dân tộc

Nhà báo Bông Mai xuất hiện tại buổi tọa đàm trong trang phục của đồng bào dân tộc

Chị thấy tiếc vì những trang viết dài, đầy tâm huyết của rất nhiều nhà báo khó có thể đến tận tay hoặc nếu có đến thì không dễ dàng thôi thúc đồng bào thay đổi. Chị mong muốn thấy những bài viết, tác phẩm báo chí truyền đi thông điệp tích cực, vào nỗ lực xây dựng cuộc sống tương lai cho các em nhỏ ngay từ lúc này.

"Những điều đó có giá trị hơn nhiều vào việc mỗi buổi sáng, tôi mở báo mạng, Facebook đều là những tin tiêu cực, cổ xuý, chia sẻ một cách vô tội vạ những “trend" nóng sốt mỗi ngày. Hãy dùng cách lan toả nhanh chóng, mạnh mẽ của báo chí hiện đại — thời đại số để đưa đến những câu chuyện mang tính truyền cảm hứng, những thông điệp về cuộc sống tương lai được đến trường, được đi học mỗi ngày để chính các em mới là người quyết định cuộc sống của mình mà không phải sống một tương lai khá mù mịt. In dấu trong hành trình của tôi là những câu chuyện, là những giấc mơ lấp lánh trong đôi mắt vùng cao của những đứa trẻ nơi vùng núi xa xôi. Là những câu hỏi mà tôi đau đầu tìm lời giải: Bao giờ những cô bé của tôi được bước đến tương lai rộng lớn, đẹp đẽ", nhà báo Bông Mai bày tỏ.

Sau phần trình bày của các diễn giả, các đại biểu tham dự cùng thảo luận về những hình ảnh khắc họa thường thấy ở báo chí khi đưa tin về người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời, đưa ra cách tiếp cận tích cực để xây dựng lối hành văn thể hiện sức mạnh của họ. Tọa đàm cũng tập trung trả lời câu hỏi "Báo chí có thể làm gì hơn nữa bên cạnh việc phản ánh thông tin khách quan" để có thể khai thác những cách tiếp cận bền vững hơn giúp phát huy nội lực của trẻ em gái dân tộc thiểu số.