Báo chí hòa vào dòng chảy chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong kỷ nguyên Internet và kỷ nguyên số hiện nay đã có rất nhiều sự thay đổi với báo chí, với cả người viết báo và người đọc, người nghe. Nổi bật nhất là thay đổi về công nghệ, công nghệ làm báo, thay đổi hành vi, thói quen của độc giả, khán thính giả, vì thế số hóa, chuyển đổi số là con đường không những phải đi mà cần đi ngay với báo chí.
Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số

Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số

Bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và sử dụng Internet, mạng xã hội nhanh hàng đầu ở khu vực và thế giới. Sau 20 năm kể từ khi chính thức xuất hiện Internet tại Việt Nam năm 1997, nước ta đã có tới 68,72 triệu người sử dụng Internet (số liệu tính tới cuối năm 2021), 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, trong đó riêng mạng xã hội Facebook có hơn 50 triệu người dùng, đồng thời Nhà nước cũng tạo điều kiện để hình thành một số mạng xã hội của riêng mình hoặc liên kết giữa Việt Nam và các nước, như các mạng Zalo, Viber, Zingme…

Bên cạnh đó, tính tới cuối năm 2021, Việt Nam có 154,4 triệu thuê bao di động, với 96,9% là điện thoại thông minh có thể kết nối Internet. Có thể thấy, cách thức sử dụng và tiếp cận báo chí cũng như mạng xã hội sẽ còn tăng trưởng hơn nữa trong tương lai.

Theo các chuyên gia, khi bạn đọc đã thay đổi thói quen và cách tiếp cận báo chí với sự phát triển của công nghệ, báo chí không thể làm như trước mà phải thay đổi để thích ứng và phục vụ bạn đọc hiệu quả hơn. Một số khảo sát về xu hướng báo chí thế giới gần đây cho thấy, có tới 44% người trả lời khẳng định thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số là sự thay đổi quan trọng nhất và phải coi độc giả là trung tâm. Một khảo sát mới đây cho thấy, hơn 75% các bạn trẻ tham gia khảo sát dùng Internet tới 6 giờ mỗi ngày, trong đó có thời lượng đáng kể sử dụng mạng xã hội và đọc báo điện tử...

Trong bối cảnh bùng nổ của Internet cùng công nghệ, thiết bị công nghệ thông tin, các nền tảng truyền thông mạng xã hội hay xu hướng truyền thông hội tụ, đa phương tiện… đang tác động ngày càng mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước ta. Đại dịch Covid-19 vừa qua với những tác động đa chiều sâu rộng cùng với việc ảnh hưởng nặng nề với báo chí, truyền thông khiến các cơ quan báo chí, truyền thông nhận thức rõ thêm tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo. Một số cơ quan báo chí, truyền thông cũng đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.

Nhiều cơ quan báo chí nước ta trước đây vốn chỉ là báo in truyền thống nhưng cũng đã phải chuyển đổi mô hình, không chỉ đẩy mạnh phát triển báo điện tử mà còn các nền tảng mạng xã hội khác. Tính đến cuối năm 2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in) là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.

Một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata... Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí di động; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo…

Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại. Không chỉ cơ quan báo chí ở Trung ương mà một số cơ quan báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi đáng chú ý. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị báo chí, nhất là báo ngành, địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật số, kinh phí và nhân sự.

Chuyển đổi số báo chí là xu thế không thể đảo ngược

Nhiều cơ quan báo chí trong nước bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi số song so với các nền tảng xuyên biên giới, các “gã khổng lồ” về công nghệ, mạng xã hội thì còn thua sút, không chỉ về thông tin mà nhất là nguồn thu. Nguồn thu giảm, mất nguồn thu là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc có những cơ quan báo chí phải chạy theo lượng truy cập, lượng đọc làm chất lượng nội dung sa sút, hoạt động thiếu lành mạnh.

Sụt giảm lượng truy cập do sự cạnh tranh từ các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội đã kéo theo sụt giảm doanh thu quảng cáo trực tuyến. Kéo theo đó là suy giảm thông tin chính thống từ báo chí trong nước cũng như suy giảm vai trò ảnh hưởng của báo chí trên không gian mạng và điều này có thể dẫn tới những hệ lụy xã hội khác.

Bởi thế, chuyển đổi số đang là đòi hỏi và nhu cầu cấp bách với các cơ quan báo chí nước ta, bất kể thể loại nào. Chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu, yêu cầu mới của độc giả và nhằm cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới, giảm sự lệ thuộc về phân phối nội dung, góp phần ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng.

Chuyển đổi số báo chí là xu thế không thể đảo ngược. Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí. Hiện nay, khi quảng cáo báo in đang ngày một sụt giảm thì việc chuyển đổi số báo chí là cần thiết và cấp bách. Việc chuyển đổi số sẽ đa dạng được các nguồn thu, đa dạng việc kinh doanh dịch vụ dữ liệu, PR, truyền thông… Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu.

Là cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đã xây dựng dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để Chính phủ phê duyệt. Dự thảo này đặt ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước); 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu…; 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa.

Tầm nhìn xa hơn đến năm 2030, dự thảo yêu cầu: 90% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 90% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 90% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu…; 50% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa.

Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu. Thực tế cho thấy, các cơ quan báo chí Việt Nam cũng đang thích ứng với chuyển đổi số, hòa vào dòng chảy chuyển đổi số để đến với bạn đọc, phụng sự bạn đọc.