Báo chí chính thống là dòng chủ lưu củng cố niềm tin và sức mạnh của dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Báo chí cách mạng Việt Nam có một lịch sử hào hùng với những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước. Trong kỷ nguyên số với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, sự bùng nổ của mạng xã hội, báo chí chính thống cũng phải chuyển đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu mới.
Cảnh tác nghiệp của các phóng viên trong đại dịch Covid-19

Cảnh tác nghiệp của các phóng viên trong đại dịch Covid-19

Niềm tin của bạn đọc - yếu tố “bất bại” của báo chí chính thống

Nói đến báo chí là nói đến thông tin và báo chí tồn tại và phát triển cũng là để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân và xã hội. Thông tin trên báo chí, kể cả tin trên các mạng xã hội, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn tác động trực tiếp đến tới tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người dân, qua đó làm thay đổi thái độ và hành vi của mỗi người.

Báo chí chính thống, xét về bản chất, là cơ quan ngôn luận, công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng, Nhà nước, có tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng, phục vụ lợi ích của đất nước, nhân dân. Với những đặc điểm này, báo chí chính thống phải đi đầu trong việc thông tin những sự kiện lớn, quan trọng, có chiều sâu, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, đồng thời góp phần định hướng nhận thức và dư luận xã hội.

Điểm nổi lên trong giai đoạn hiện nay là sự bùng nổ thông tin trên Internet và mạng xã hội. Theo con số thống kê, Việt Nam là một trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày, trong đó 2 giờ 33 phút là cho mạng xã hội. Nêu lên những con số trên đây để thấy cách thức người Việt Nam dành thời gian mỗi ngày cho truyền thông ra sao. Từ đó đặt ra vấn đề báo chí chính thống phải làm gì để giữ vai trò chủ đạo phản ánh đời sống xã hội, cũng như khơi nguồn, tạo ra dư luận xã hội và định hướng việc tiếp nhận thông tin cho công chúng.

Nếu nhìn vào độ phủ và mức độ tương tác với bạn đọc, mạng xã hội đang tỏ ra có ưu thế. Thế nhưng, có một thực tế mà người đọc dễ dàng nhận thấy là tính chính xác của các thông tin trên mạng. Thêm vào đó, chính đặc điểm kết nối của mạng xã hội đã khiến “fake news - tin tức giả ngày càng được phát tán rộng rãi, làm dư luận bức xúc. Do mối lo ngại về tin giả, người dùng đang quay lưng với truyền thông xã hội và không coi đó như một nguồn tin đáng tin cậy. Chính vì thế, dù mạng xã hội có ưu thế nhanh, nhạy, tính tương tác cao, sức lan tỏa lớn và đang cạnh tranh quyết liệt với báo chí chính thống, nhưng vai trò của báo chí chính thống vẫn không hề suy giảm. Ở đó, có một yếu tố “bất bại” mà mạng xã hội không bao giờ chạy đua được, đó là sức nặng của sự thật, uy tín của nhà báo, niềm tin của bạn đọc.

Tuy nhiên, thực tế đó cũng đặt ra với báo chí chính thống yêu cầu trong việc phát triển nội dung và tận dụng các nền tảng số hóa để đáp ứng xu thế cập nhật tin tức của người đọc mọi lứa tuổi. Làm thế nào để thông tin vừa được kiểm chứng, đáng tin cậy mà không khô khan, có tính lan tỏa, người đọc lại dễ dàng chia sẻ; làm thế nào để bài viết trực quan trở nên sinh động hơn, chất lượng hình ảnh đẹp mắt hơn, nhưng không mất đi bản chất của bài báo mang lại thông tin hữu ích là thách thức với các nhà báo trong kỷ nguyên số. Và quan trọng nhất là báo chí chính thống phải giữ được vai trò là dòng chủ lưu trong thông tin, tuyên truyền; củng cố và tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ; góp phần khơi nguồn sức mạnh tinh thần của dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các phóng viên đang tác nghiệp tại một khu vực cách ly

Các phóng viên đang tác nghiệp tại một khu vực cách ly

Lực lượng tiên phong trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19

“Cuộc chiến” với đại dịch Covid-19 mà Việt Nam vượt lên thành công là bằng chứng cho thấy báo chí chính thống đã thể hiện tích cực vai trò và trách nhiệm của mình với xã hội. Với một dịch bệnh nguy hiểm chết người và kéo dài như vậy, sự quan tâm của người dân tới diễn biến tình hình, nhu cầu tìm kiếm thông tin về Covid-19 tăng lên đáng kể. Theo số liệu của Cục Viễn thông, thời điểm diễn ra dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng băng rộng di động của Việt Nam trong năm 2020 tăng đến 22,45%, băng rộng cố định tăng 13,33% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh đó, báo chí chính thống phản ánh kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong công tác phòng chống dịch; về sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, nhất quán và hiệu quả về công tác này. Điều đó đã giúp người dân yên tâm và tin tưởng về hoạt động phòng, chống dịch. Dư luận còn chưa quên câu chuyện trong giai đoạn đầu dịch bệnh, khi sự xuất hiện bất ngờ sau thời gian tương đối yên tĩnh của một bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đã khiến dư luận xôn xao, thị trường rối loạn. Báo chí chính thống đã kịp thời, đồng loại đưa tin, khẳng định chúng ta bảo đảm đầy đủ hàng hóa, có cơ số dự phòng ứng phó mọi tình huống, các cửa hàng mở đến đêm… Nhờ đó, thị trường ổn định trở lại.

Những biểu hiện thiếu lành mạnh trong công tác phòng chống dịch, như thái độ lơ là, sự lo lắng quá mức của một số bộ phận nhân dân; những hành vi sai trái, những tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận xã hội; việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch… cũng đều được báo chí kịp thời phản ánh, để các lực lượng trên tuyến đầu yên tâm dành thời gian, sức lực cho công tác phòng, chống Covid-19 thay vì phải “chống giặc trên mạng”.

Thông tin khách quan, đúng mực, không gây hoang mang, lo lắng cho người dân nhưng cũng không làm dư luận chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh mà báo chí chính thống tổ chức thực hiện trong suốt một năm rưỡi qua đã đưa đến kết quả Việt Nam được xếp là một trong những nước đứng đầu thế giới mà người dân đặt niềm tin cao vào Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, theo kết quả thăm dò dư luận do Viện Nghiên cứu Thị trường Latana (Đức) thực hiện. Quá khứ cho thấy, trong thử thách gian nguy thì niềm tin luôn là yếu tố quyết định để đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Báo chí chính thống đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là tạo niềm tin cho xã hội vào những chủ trương, chính sách, biện pháp của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính quyền từ Trung ương xuống địa phương, góp phần giúp Việt Nam chiến thắng dịch bệnh.

Và cũng chính qua đại dịch Covid-19, niềm tin của nhân dân với báo chí tăng lên. Thông số của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho thấy gần 90% số người dân dành niềm tin cho báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống Covid-19. Cùng với lực lượng y tế, quân đội và công an, báo chí được ghi nhận là lực lượng tiên phong trên mặt trận phòng, chống dịch. Đó là sự đánh giá, sự ghi nhận mà Đảng, Nhà nước và người dân dành cho báo chí chính thống trong “cuộc chiến” với Covid-19.

Thông tin khách quan, đúng mực, không gây hoang mang, lo lắng cho người dân nhưng cũng không làm dư luận chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh mà báo chí chính thống tổ chức thực hiện trong suốt một năm rưỡi qua đã đưa đến kết quả Việt Nam được xếp là một trong những nước đứng đầu thế giới mà người dân đặt niềm tin cao vào Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19