Báo cáo gây sốc về nạn buôn bán người di cư

ANTD.VN - Kết quả một cuộc khảo sát do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) công bố đầu tuần qua gây chấn động dư luận: 70% người di cư đến ở châu Âu bằng đường biển là nạn nhân của tội phạm buôn người. Tình trạng người di cư buộc phải bán nội tạng, bán máu cũng tăng ở mức đáng báo động.

Những người di cư được cứu ở bờ biển ngoài khơi của Libya  ngày 4-10 vừa qua

Gian nan hành trình bằng đường biển

IOM đã dành 10 tháng thu thập dữ liệu từ hơn 9.000 người di cư trên các tuyến Địa Trung Hải và Trung Đông để làm rõ các vấn đề như tỷ lệ lao động cưỡng bức, nạn buôn bán nội tạng, các trường hợp buộc phải kết hôn…. Chưa đến 1,5% số người được hỏi cho biết đã nhận được lời đề nghị kết hôn để đổi lấy tiền trên cuộc hành trình. 

Theo kết quả khảo sát của IOM, 3/4 số người di cư đến ở châu Âu bằng thuyền cho biết họ là nạn nhân của các băng nhóm tội phạm hoặc bị khai thác sức lao động trên đường đi. Gần một nửa số người được hỏi (49%) cho hay đã bị giam giữ trái với ý muốn tại một địa điểm nào đó, thường để đòi tiền chuộc.

Phần lớn các trường hợp xảy ra ở Libya. Một nửa số người di cư cho hay, họ đã phải làm việc không lương, bị người sử dụng lao động hoặc môi giới lao động đe dọa bằng vũ khí. Một số cho biết, lao động cưỡng bức là cách duy nhất để thoát khỏi giam cầm hoặc có được một vị trí trên chiếc thuyền đến châu Âu.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy xu hướng đáng lo ngại của tình trạng nạn nhân buộc phải bán nội tạng hoặc bán máu. 6% số người được hỏi cho biết đã buộc phải cung cấp máu hay nội tạng trái ý muốn để có tiền thanh toán khoản chi phí cho cuộc hành trình. Đàn ông có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người hơn so với phụ nữ.

Tuy nhiên, IOM không có kết quả khảo sát về nạn mại dâm cưỡng bức hoặc buôn bán người làm nô lệ tình dục. Những người di cư quá cảnh hoặc những người có thời gian hành trình di cư dài dễ bị tổn thương, khai thác sức lao động hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người hơn so với những người di cư trong thời gian ngắn. 

Những tuyến đường cạm bẫy

Trên tuyến đường đông Địa Trung Hải - nơi những người di cư di chuyển bằng đường bộ qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng đầy cạm bẫy. Qua khảo sát, 14% người di cư là nạn nhân của tội phạm buôn người và bị bóc lột sức lao động trên đường đi. Khoảng 6% cho biết từng bị giam giữ trái ý muốn, 7% buộc phải làm việc không lương. Hầu hết các trường hợp xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nạn buôn bán nội tạng, ép buộc bán máu xảy ra phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Albania, Macedonia và Serbia.

IOM cho biết, cuộc khảo sát là những nỗ lực đầu tiên của tổ chức này trong việc xác định tỷ lệ, quy mô và tần suất lao động và các hình thức buôn người đang diễn ra trên các tuyến đường di cư lớn. "Mạng lưới buôn người ngày càng được mở rộng. Chúng kiếm được khoản lợi nhuận kếch xù từ người di cư - những người lao động nghèo khổ đang chạy trốn chiến tranh hay nghèo đói", chuyên gia Simona Moscarelli của IOM nói.

Ông Kevin Hyland, chuyên gia của Tổ chức chống chế độ nô lệ của Anh cho rằng, kết quả khảo sát cung cấp thêm bằng chứng để khẳng định rằng, cuộc khủng hoảng di cư đang là mục tiêu khai thác của các mạng lưới buôn bán người có quy mô lớn trên thế giới.

“Cần hành động khẩn cấp để bảo vệ những người di cư. Tôi cho rằng, Anh phải phối hợp với các Chính phủ khác để có giải pháp hiệu quả để chống lại chế độ nô lệ hiện đại cũng như cuộc khủng hoảng di cư và người tị nạn hiện nay”, ông Kevin Hyland nói.