Kết thúc đợt “Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi”:

Báo ANTĐ có gần 100 ý kiến chất lượng cao

ANTĐ - Qua gần 3 tháng triển khai thực hiện, chuyên mục “Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi” (gọi tắt là Dự thảo) của Báo ANTĐ đã nhận được gần 100 ý kiến đóng góp có chất lượng của các luật sư, giảng viên ĐH, các nhà làm luật… về các chế định quan trọng. Theo nhiều bạn đọc, hầu hết các ý kiến này đều rất sát thực, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đông đảo người dân…

Báo ANTĐ có gần 100 ý kiến chất lượng cao ảnh 1Rất nhiều người dân đã gửi thư đóng góp ý kiến cho Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Những đóng góp thiết thực

Bên cạnh những quy định đã được sửa đổi mang tính tiến bộ thì Dự thảo vẫn giữ nguyên một số quy định cũ thiếu tính khả thi liên quan đến chế định này… Đó là quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế. Theo quan điểm của luật sư Võ Đình Hải, quy định này còn khá chung chung, khó áp dụng nên cần quy định rõ hơn các điều kiện về thời điểm, nơi cư trú…Tuy vậy, vấn đề bổ sung, thay thế di chúc được quy định tại Điều 647 Dự thảo khá tiến bộ và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: “Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. 

Trong Dự thảo, các quy định về hộ gia đình cũng đã được điều chỉnh lại cho phù hợp. Khác với Bộ luật Dân sự 2005, Dự thảo chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, không chính thức ghi nhận hộ gia đình là một chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật dân sự. “Phân tích của luật sư Đặng Thành Chung đăng trên Báo ANTĐ về vấn đề này khá rõ ràng và chính xác. Tuy vậy, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hộ gia đình, sự ổn định của các giao dịch dân sự, Nhà nước cần có các văn bản dưới luật cụ thể hóa các quy định này giúp người dân hiểu rõ hơn, từ đó tự giác thực hiện” - ông Lê Đình Dũng - cán bộ hưu trí phường Kim Mã, quận Ba Đình nêu quan điểm.

Theo các luật sư, ngoài các quy định mới, Dự thảo đã “bỏ quên” một số chế định, trong đó có chế định trọng tài. Liên quan đến các giao dịch nhà đất bằng giấy viết tay, quy định của pháp luật hiện hành xác định trong mọi trường hợp, nếu các bên xác lập các giao dịch liên quan đến nhà, đất bằng giấy viết tay (không có công chứng) thì giao dịch này có thể bị coi là vô hiệu. Tuy vậy theo Điều 145 Dự thảo, trong trường hợp các bên xác lập giao dịch dân sự liên quan đến nhà đất bằng giấy viết tay (không có công chứng, chứng thực), nhưng việc xác lập giao dịch không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc theo thỏa thuận, thì giao dịch này vẫn được coi là hợp pháp. Quy định này nhằm đảm bảo tính ổn định của giao dịch trong đời sống xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích của bên thiện chí, ngay tình, được đông đảo người dân tán thành, ủng hộ.

Làm rõ các khái niệm mới

Về chế định hợp đồng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo đã mở rộng hơn so với quy định cũ, song điều này sẽ làm nảy sinh nhiều phức tạp khi phát sinh tranh chấp. Một vấn đề nữa cũng được nhiều người dân quan tâm đó là sự “ngầm hiểu” trong các giao dịch dân sự. Theo quan niệm của nhiều người, “im lặng là đồng ý”. Trước đây, khi Bộ luật Dân sự 2005 chưa có quy định cụ thể về vấn đề này nên trong nhiều trường hợp, việc các bên ngầm hiểu với nhau đã dẫn tới tranh chấp. Do đó, quy định như trong Dự thảo: “Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa họ” đã giải quyết được vấn đề này. 

Cũng trong Dự thảo, quy định “Người đại diện theo ủy quyền” đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Theo đó, tại Điều 142 Dự thảo xác định: Người đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc bị giam giữ có thể ủy quyền cho người khác để đại diện mình thực hiện các giao dịch dân sự (hành vi pháp lý) mà pháp luật không cấm. Chính phủ quy định chi tiết về quy trình thực hiện ủy quyền đối với người đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc bị giam giữ. Với nội dung này, Dự thảo đã gỡ bỏ được “nút thắt” quan trọng, có ý nghĩa đối với những người đang bị áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam hoặc giam giữ do có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. 

Dự thảo cũng đưa vào những khái niệm mới như “địa dịch”, “vật quyền”, “trật tự công”… Bằng sự phân tích khá rõ ràng, cụ thể của luật sư, các nhà làm luật, người dân có thể nắm được những vấn đề cơ bản của khái niệm này và sự cần thiết phải đưa chúng vào các quy định trong BLDS sửa đổi. Bên cạnh đó, những hạn chế về chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005, việc thiếu quy định chủ thể của quan hệ pháp luật là dòng họ, về vấn đề hụi, họ, biêu, phường… cũng đã được các luật sư chỉ ra, đồng thời kiến nghị nên quy định khung pháp luật cho các vấn đề này, ban hành các văn bản dưới luật về trình tự, thủ tục thực hiện, cũng như đảm bảo sự quản lý của các cơ quan chức năng. Điều này là rất cần thiết!

Ngoài các nội dung trên, Báo ANTĐ còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến các quy định về chuyển đổi giới tính, quyền nhân thân, quyền sở hữu, vấn đề bồi thường thiệt hại, các loại hợp đồng, các vật quyền đảm bảo, thời hiệu… Bên cạnh việc chỉ ra những hạn chế của quy định cũ, các luật sư, nhà làm luật… còn phân tích các khái niệm mới, đưa ra những đề xuất nhằm hoàn thiện hơn các chế định trong Dự thảo. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các quy định của BLDS sửa đổi gần gũi hơn với người dân, nhanh chóng đi vào cuộc sống và kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh…