“Bánh vẽ” du lịch thưởng tiền

ANTĐ - “Mọi khách hàng đều có cơ hội đi du lịch vòng quanh thế giới giá rẻ, nhận quà thưởng có giá trị như: xe hơi, du thuyền, biệt thự, có cơ hội trở thành hội viên, được cấp mã số, tích luỹ điểm...”. Đây là một trong những quảng cáo xuất hiện trên internet của một số tập đoàn du lịch quốc tế trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, khách hàng có thể gặp rủi ro khó lường nếu lỡ tham gia…

Những tour du lịch nước ngoài thưởng cho người tham gia giống như

bán hàng đa cấp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro


Dịch vụ du lịch đa cấp

Đọc dòng quảng cáo trên mạng internet của một tập đoàn du lịch quốc tế, chị Nguyễn Hồng Phương, ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm đã đóng gần 300 USD vào tài khoản của công ty này để có mã số cá nhân và không quên rủ thêm người nhà và bạn bè cùng tham gia. Theo đó, nếu mời thêm được hai người tham gia, mỗi người cũng phải đóng cùng số tiền, thì người đầu tiên sẽ trở thành hội viên, được cấp mã số riêng và có cơ hội tích lũy điểm. Chị Phương kể lại: “Xem quảng cáo đây là những “dịch vụ hoàn hảo” kết hợp du lịch - kinh doanh mạng - làm việc tại nhà và kiếm tiền nhanh chóng nên tôi thấy bùi tai, đóng tiền ngay mà không cân nhắc. Nhưng sau khi đóng tiền và tìm được gần 20 người, không những tôi không được hưởng bất cứ hoa hồng nào mà còn kéo theo nhiều người bị vạ lây. Hỏi ra thì được biết công ty này chỉ hoạt động trên mạng, không có tư cách pháp nhân và thực ra là công ty ảo”.

Tình trạng bán gói dịch vụ du lịch theo dạng bán hàng đa cấp đang tràn lan tại rất nhiều thành phố lớn. Thực tế, kiểu “Du lịch - thưởng tiền”, hay hưởng ưu đãi dịch vụ là dạng huy động vốn thông qua các hình thức khuyến mãi. Thông thường, người tham gia sẽ đóng một khoản tiền gọi là tiền đặt cọc, nếu giới thiệu cho 5 người khác thì sẽ nhận ngay hoa hồng từ 10-15% giá trị số tiền của người sau nộp vào. Nếu vận động được nhiều người tham gia, tạo thành mạng lưới rộng lớn thì số tiền thưởng có thể lên đến hàng trăm nghìn USD và những chuyến du lịch đến nhiều địa danh trên thế giới. Chính vì “bánh vẽ” quá lớn nên hình thức này thu hút rất nhiều thành phần tham gia. Đáng nói hơn, dạng kinh doanh này có cả yếu tố nước ngoài điều hành qua mạng. Mặc dù, loại hình du lịch đa cấp đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới từ lâu nhưng  gần đây mới nở rộ ở Việt Nam.


Khách hàng luôn là người thua thiệt

Vừa qua, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã phát hiện một doanh nghiệp Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến  4-2011 đã huy động được trên 3.000 người nộp tiền tham gia mạng lưới mua bán gói dịch vụ du lịch, với tổng số tiền 1,2 triệu USD. Doanh nghiệp này đã chuyển cho công ty nước ngoài qua tài khoản tại Hồng Kông trên 700.000 USD, nhưng mới chỉ tổ chức một đoàn thưởng cho 50 khách đi du lịch Hồng Kông. Số tiền này là khá lớn và thực chất nó là hiện tượng “chảy máu” ngoại tệ. 

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Công ty TNHH Luật S&B, thông qua việc bán các gói dịch vụ đặt phòng, một số công ty du lịch đã huy động được số tiền rất lớn mà không phải trả lãi, dùng tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước theo kiểu “mỡ nó rán nó”. Nếu các công ty sau khi chiếm dụng số vốn lớn rồi ôm tiền “cao chạy xa bay” thì khách hàng sẽ mất trắng... Mặt khác, hoạt động của các công ty này có hợp pháp hay không cũng là cả một vấn đề. Hầu hết, các hợp đồng ký kết với khách hàng đều rất chung chung với hình thức thu tiền không rõ ràng, có sự nhập nhằng giữa việc trở thành hội viên và đặt phòng giảm giá tour...  nên nếu xảy ra tranh chấp, khiếu kiện thì khách hàng luôn là người thua thiệt.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp thưởng tiền cho người tham gia dịch vụ du lịch bằng USD là trái quy định. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp bán sản phẩm du lịch nhưng không tổ chức cho khách hàng đi du lịch thì đó là hành vi lừa gạt khách hàng. Ngoài ra, một tổ chức không có chức năng huy động vốn nhưng nhận tiền của người dân dưới hình thức bán gói dịch vụ du lịch rồi chi trả thưởng, hoa hồng là vi phạm pháp luật.

Tổng cục Du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan ngăn chặn hoạt động kinh doanh du lịch theo hình thức đa cấp này.

Ông Mai Tiến Dũng - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho rằng: “Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, tôi cũng có nghe nói về loại hình du lịch đa cấp song nó ở mức độ không nghiêm trọng. Đối với các công ty du lịch, việc miễn phí tour cho một khách hàng nào đó có công lôi kéo được một số lượng người nhất định cùng tham gia tour là điều khá phổ biến. Bởi nếu tổ chức được một tour đông khách, các công ty sẽ dễ dàng đàm phán với các đối tác để có được giá dịch vụ ưu đãi hơn. Họ dùng một phần số tiền này để chi trả cho khách hàng có công, khiến “hai bên cùng có lợi” mà giá tour vẫn không tăng. Điều này là hợp lý và không bị pháp luật cấm. Còn với hình thức kinh doanh đa cấp, doanh nghiệp sẽ thu phí đầu vào cao, dùng chính một phần số tiền thu được để trả tiền hoa hồng. Điều này bắt buộc họ phải đẩy giá dịch vụ lên cao nên chắc chắn chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị khách hàng tẩy chay”…