Bánh kẹo nội "so găng" với hàng ngoại

ANTĐ - Đại diện một số doanh nghiệp bánh kẹo dự báo, nhu cầu của người dân trong dịp Tết 2016 sẽ không tăng đột biến. Dù vậy, số lượng bánh kẹo nhập khẩu có thể vẫn gia tăng.

Bánh kẹo nội "so găng" với hàng ngoại ảnh 1

Bánh mứt kẹo Tết đã tràn ngập thị trường

Bánh kẹo ngoại tung hoành

Ông Trịnh Sỹ - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP bánh kẹo Tràng An cho biết: “Năm nay, bánh kẹo trong nước phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ ASEAN, Hàn Quốc, châu Âu… Doanh nghiệp có uy tín, tên tuổi thì còn tồn tại được, không ít đơn vị không có thương hiệu đã phải rời cuộc chơi”.

Theo đại diện doanh nghiệp này, bánh kẹo nhập khẩu đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ nhiều  năm trước. Tuy nhiên, dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, hàng nhập khẩu sẽ cạnh tranh trực tiếp về giá. Từ trước đến nay, bánh kẹo nội thường có giá bán thấp hơn hàng nhập khẩu nhưng nhờ có ưu đãi về thuế nên bánh kẹo ngoại sẽ không chỉ được tiếng ngon, đẹp mà còn rẻ nữa.

Ghi nhận thị trường cho thấy, tại các siêu thị lớn như Big C, Co.op mart, Fivimart, bánh kẹo ngoại đa số được nhập từ Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia… Giá bán mỗi sản phẩm thông thường từ 100.000  đến 300.000 đồng. Nhiều sản phẩm trong số này đang “chạy” chương trình khuyến mãi, giảm giá. Trong khi đó, bánh kẹo Việt Nam chủ yếu có mức giá dưới 100.000 đồng/sản phẩm, bao bì đã có sự cải tiến, đổi mới so với Tết năm ngoái.

Theo bà Nguyễn Thanh Huyền - đại diện truyền thông hệ thống siêu thị Big C miền Bắc và miền Trung, năm nay, tỷ lệ bánh kẹo nhập khẩu trên tổng cơ cấu ngành hàng này không tăng so với năm ngoái. “Chúng tôi chuẩn bị hàng ở mọi phân khúc giá, cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn” - bà Huyền khẳng định.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh kẹo cho hay, trong khối ASEAN, ngành sản xuất bánh kẹo của Việt Nam hiện xếp ở vị trí thứ sáu, sau Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines. Trong số các quốc gia trên, Malaysia, Indonesia đã đầu tư sản xuất bánh kẹo tại Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước.

Rụt rè tăng sản lượng

Vì có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, thị trường bánh kẹo Tết trở nên rất phong phú. Tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bánh kẹo nội và hàng nhập khẩu tràn ngập.  Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ bánh kẹo dịp Tết Bính Thân (2016) sẽ tăng từ 15-20% so với ngày thường. 

Để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết, Công ty CP Bibica đã tung ra thị trường 1.600 tấn sản phẩm các loại, tăng khá mạnh so với sản lượng 1.350 tấn của mùa Tết 2015. Một số sản phẩm chủ lực của Bibica có mức sản lượng tăng gấp 2-3 lần. Nhà sản xuất Kinh Đô cũng đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đã có uy tín như bánh AFC, bánh Cosy, Solite…

Trong khi đó, Công ty CP bánh kẹo Tràng An cũng tăng sản lượng thêm 500 tấn so với Tết năm ngoái, lên mức 3.000 tấn bánh kẹo. Ông Trịnh Sỹ cho rằng: “Sản lượng bánh kẹo chỉ tăng nhẹ vì nhu cầu của người dân không cao. Thêm vào đó, tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi, có thể mua bánh kẹo ăn quanh năm, ít dự trữ nên sản lượng dịp Tết không tăng đột biến”. Đại diện của Công ty Tràng An cũng nhấn mạnh, giá bánh kẹo Tết năm nay ổn định vì cạnh tranh gay gắt.