Bang Uttar Pradesh (Ấn Độ): Có hối lộ, bổ nhiệm mới trơn tru

ANTD.VN - Từ chuyện  triển khai dự án công đến bổ nhiệm cán bộ, có hối lộ thì mọi việc mới trơn tru.  Câu chuyện mà cán bộ công chức  bang Uttar Pradesh, Ấn Độ chia sẻ với Nhật báo Daily Pioneer  cho thấy sự bám rễ ăn sâu của nạn hối lộ này.

Bang Uttar Pradesh (Ấn Độ): Có hối lộ, bổ nhiệm mới trơn tru ảnh 1Nạn hối lộ được cho là phổ biến trong cơ quan Chính phủ ở bang Uttar Pradesh

Nhận hối lộ vì phải chạy đua

MK Narain (tên nhân vật đã được thay đổi) - một kỹ sư cấp cao của Bộ Công chính bang Uttar Pradesh - vô cùng sốc sau khi nhận thông tin cải cách tiền tệ. “Trong vài phút đầu tiên, tôi không hiểu điều gì đang xảy ra. Tôi mở tivi và kênh tin tức thấy Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố, đồng 500 rupee và 1.000 rupee không còn giá trị kể từ đêm 9-11”, ông Narain nhớ lại. 

Ông Narain đã cất giấu 4,8 triệu rupee, toàn tờ mệnh giá 500 và 1.000 rupee trong một chiếc va li. Đây là số tiền ông đã tích lũy trong vài năm qua từ… nhận hối lộ. Thông báo của Thủ tướng giống như tin sét đánh, bởi số tiền trên trong phút chốc trở thành mớ giấy lộn vô giá trị.

“Tôi đã gọi điện cho các đồng nghiệp và có thể cảm nhận được sự tuyệt vọng trong giọng nói của họ. Tôi biết, họ cũng có tiền hối lộ, nhưng tất nhiên, không ai hé ra bất cứ điều gì về việc này”, ông Narain nói.

Bộ Công chính bang Uttar Pradesh, nơi ông Narain công tác có chức năng giám sát việc xây dựng các đường cao tốc và đường kết nối, với khoản ngân sách hàng năm được cấp  trên 270 tỷ rupee.  Theo ông Narain, hiện tượng  hối lộ phổ biến ở cơ quan này. Tiền hối lộ có mặt tại tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một dự án, bắt đầu từ việc lựa chọn nhà thầu cho tới các hóa đơn quyết toán sau khi dự án hoàn thành; được “chia” từ cấp Bộ trưởng cho đến các kỹ sư, thậm chí là xuống tới cả bộ phận người làm thuê. Những kỹ sư nhận được các khoản hoa hồng hàng tháng như một điều đương nhiên, nhưng một số cán bộ nhân viên khác lại khéo léo “vòi tiền” các nhà thầu hay các nhà cung cấp vật liệu xây dựng trong thời gian triển khai dự án.

Không tiết lộ những gì đã làm trong việc sử dụng “tiền bẩn”, nhưng ông Narain sống trong một ngôi nhà được trang trí đẹp mắt tại khu dành cho giới thượng lưu của Indira Nagar. Tuy nhiên, theo ông Narain, những khoản hối lộ mà ông nhận được chưa là gì khi so sánh với những người khác. “Hãy so nhà của tôi với những ngôi nhà của các quan chức trong cơ quan tôi. Họ sống trong những biệt thự nguy nga. Tôi có một chiếc xe ô tô nhỏ dòng hatchback, trong khi những người khác đi trên chiếc xe hạng sang dòng sedan và SUV... Tôi chỉ có khoản hoa hồng cố định trong mỗi dự án, còn những người khác, họ mở miệng là đối tác sẵn sàng chi tiền hối lộ - điều mà tôi không làm được”, ông Narain lý giải.

“Bản thân tôi đã 2 lần phải hối lộ Bộ trưởng sau khi được điều chuyển tới thủ phủ Lucknow. Tôi đã “mua” vị trí của tôi ở Lucknow vì được yêu cầu chi ra một số tiền nhất định. Sau đó, vào mỗi dịp lễ, Tết, tôi lại phải có các món quà tặng đắt tiền gửi tới những cán bộ cấp cao và các Bộ trưởng. Đó là một sự cần thiết để giữ cho họ luôn có thái độ vui vẻ. Tại lễ hội Diwali năm nay, tôi đã tặng một chiếc đồng hồ Rado cho con trai một cấp trên của tôi. Bạn có nghĩ rằng tôi sẽ tặng những món quà đó từ tiền lương của tôi? Không, không bao giờ! Tôi nhận hối lộ, bởi vì tôi phải tồn tại và cần phải chạy đua trong thế giới này”, Narain nói.

Buông lỏng quản lý 

 “Chỉ những người có khả năng chi khoản hối lộ 7 triệu rupee mới có thể trở thành thẩm phán quận. Tôi không có số tiền này, nếu không, cũng đã có được vị trí ấy”, ông Ashok Kumar - Thư ký Cơ quan Hội nhập Quốc gia ở thành phố Basti, cách Lucknow khoảng 200km về phía Đông Nam, bang Uttar Pradesh nói với phóng viên về việc mình không thể trở thành thẩm phán quận hồi tháng 9. Ông không tiết lộ ai là người nhận hối lộ và làm thế nào có được con số 7 triệu rupee. Tuy nhiên, sau phát ngôn gây chấn động này, ông Kumar ngay lập tức bị đình chỉ chức vụ.

Ông SP Singh, người đã nghỉ hưu vào tháng 12-2015 sau hơn 30 năm cống hiến trong Cơ quan Quản lý dịch vụ của Ấn Độ (IAS) cho biết, các cán bộ, công chức nhận hối lộ, tham nhũng bởi họ không e ngại pháp luật. Họ biết rằng, nếu bị bắt, sẽ thoát được ra khỏi tình trạng ấy bằng cách trả thêm tiền hối lộ. “Cơ chế này hoạt động như một dây dẫn: Nếu “sếp” có thể kiếm tiền tại sao “cấp dưới” lại không? Thêm vào đó,  Ấn Độ còn buông lỏng việc quản lý, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước. Bởi vậy, hiện nay, các chính trị gia nhận hối lộ, các cán bộ công chức nhận hối lộ... Sự mục ruỗng đã ăn rất sâu vào mọi khía cạnh của đời sống”, ông Singh nhấn mạnh.