Bàn tay bắt đá nảy mầm

ANTĐ - Cứ mỗi khi trở về vùng cực Bắc của Tổ quốc, ngửa mặt lên nhìn những dãy núi đá miên man, lại thấy sức vóc con người quả là vô tận. Rồi thấy những bước chân của đồng bào Mông thoăn thoắt đi tra từng hạt ngô xuống đá, tôi tự vấn rằng, có phải cuộc sống đá đã đúc nên đức tính lặng lẽ như đá và rồi bắt đá theo nhịp sống của riêng mình.

Gia đình Mùa A Thào đang buổi đúc lưỡi cày ở Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang

Những “nghệ nhân”quai búa 

Nếu có ai đó gọi người đúc cày ở bản đồng bào Mông là nghệ nhân thì chưa thật đúng, bởi trên mỗi bản cao nguyên đá đều có rất nhiều người như thế. Từ xưa đến nay, chuyện những người Mông ở Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) đúc lưỡi cày vẫn luôn là ẩn số đối với nông dân miền xuôi. Cái biệt tài xới đá trên triền núi của người Mông làm ta cảm nhận bàn tay con người rắn hơn cả đá núi. Mùa A Thào, người ở Sủng Là, huyện Đồng Văn cho biết: Theo phong tục của người Mông, mùa xuân mới là mùa đúc lưỡi cày, bởi đó là mùa bắt nhịp vào cuộc sống lao động. Trước khi đúc lưỡi cày, anh Thào đã chuẩn bị than gỗ sồi, khuôn và phôi gang. Công đoạn làm chiếc lưỡi cày gang không lâu, nhưng công đoạn tìm hiểu lưỡi cày đó cày ở khu vực nào, và làm vào việc gì mới là việc đáng nói. “Ở Đồng Văn mỗi khu vực một địa hình khác nhau, nơi đá dày, nơi đá thưa, nơi đá nông, nơi đất sâu… vì thế nó là cả sự kỳ công. Ở núi đá, cày bò là chính, vì thế nên cũng phải dựa vào sức kéo loài vật mà đúc lưỡi”, anh Thào cho biết. Tôi đã tận mắt thấy công đoạn đúc cày ở Sủng Là, song đó chỉ là cách đúc thông thường, nung gang nóng chảy đổ vào khuôn. Nhưng với cách nói ngắn gọn của anh Thào thì việc đúc lưỡi cày là của những người Mông biết làm nương. Cuộc sống nơi đây đã làm nên những “nghệ nhân” đúc cày danh bất hư truyền ở Đồng Văn, Mèo Vạc... 

Mỗi khi xuân đến với những vườn cải nở vàng và những cánh đào khoe sắc hồng bản nhỏ thì ở Sủng Là, huyện Đồng Văn, hay Cán Chu Phình, huyện Mèo Vạc… lại phì phò tiếng bễ quạt lò than đúc lưỡi cày để bắt đầu mùa lao động mới. Theo quan niệm của đồng bào Mông, lửa luôn được coi trọng, đặc biệt mỗi khi khai xuân, lửa luôn đem lại mùa màng bội thu. Còn lưỡi cày khi vẫn còn cần nó, đúc nó là vẫn còn sức vóc lao động và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Chính vì thế mà đúc lưỡi cày chỉ thường có vào dịp mỗi mùa xuân sang, như thế là báo hiệu một nhịp sống sung túc trên những miền đá núi. Có một thời, lưỡi cày miền xuôi đã mang lên Đồng Văn, Mèo Vạc để bán. Những gia đình người Mông mới cưới mua về nhưng đều không dùng được ở những vuông đất xen lẫn đá núi. Và từ đó đến nay, họ vẫn phải dùng đồ của bản đúc ra. Cho đến tận bây giờ, người miền xuôi vẫn không khỏi ngạc nhiên về công thức đúc lưỡi cày của đồng bào Mông ở cực Bắc của Tổ quốc.  

“Nghệ nhân” xếp tường rào đá Thào Mí Giàng

Chuyện về hàng rào đá…

Có lẽ, chỉ cần nhìn những nương ngô vào vụ nhuộm vàng óng lấn lướt sắc đá xám, ta cũng đủ cảm phục sức sống của đồng bào nơi này. Những cây ngô mọc được trên đá và ra bắp căng hạt, đã làm cho mỗi người trồng nó phải đổ nhiều giọt mồ hôi. Vất vả, gian khổ là thế nhưng ta chỉ thấy hằn in trên từng nếp da thời gian trong lúc lên nương mà thôi, chứ thật khó nhận thấy trong những nụ cười xuống chợ. Đồng bào Mông ở nơi cực Bắc là vậy, sự lạc quan và cần mẫn ít ai sánh được. 

Có người từng hỏi, những dãy núi đá miên man kia thích nghi với người Mông hay đồng bào Mông thích nghi với đá núi? Thật khó tìm câu trả lời chính xác, bởi chỉ có người Mông mới hiểu được, vì sao đá phải theo mình... Sự tỉ mỉ của từng viên đá núi vô hồn, lăn lóc khắp triền núi đã được từng bàn tay cần mẫn nhặt dọn, xếp lên thành những hàng rào đá, để mỗi mùa cải hoa nở vàng óng hay vạt ngô phủ màu xanh lao động. Trong tâm thức của đồng bào Mông ở miền đá núi cực Bắc của Tổ quốc, những hàng rào chưa bao giờ có ý nghĩa ngăn cách hay chia cắt tình cảm của mỗi con người, mà chỉ là ranh giới mặc định riêng tư mà cuộc sống ai cũng cần phải có…

Tôi đã ngồi trò chuyện với ông Thào Mí Giàng, ở xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn trọn một buổi chiều. Ông Giàng là người Mông, lại từng là bộ đội nên rất có trách nhiệm với bản mình. Mùa xuân năm nào cũng vậy, ông Giàng luôn theo thói quen nhặt đá xếp lên hàng rào, mặc dù bờ rào vẫn vững chãi. Ông Giàng làm như thế, là cách đánh thức bờ rào đá tiếp đón một mùa xuân đã về. Năm nay ông Giàng gần 70 tuổi, ông rất có tiếng về tài xếp bờ rào đá. Đến nỗi người ta nhìn bức rào đá tăm tắp là biết ngay đó là sản phẩm của ông. “Mình và đá chẳng cái nào chịu cái nào đây, đá nó còn làm mẻ cuốc, mẻ cày của mình đấy. Thế nhưng, nó cứng thế thôi chứ vẫn phải nghe theo mình mà” - ông Giàng tự hào. Đồng bào Mông là thế, cái cốt cách thẳng thắn và chẳng nề hà mỗi khi gặp khó khăn. Người Mông xếp rào đá và cày trên đá đương nhiên như đứa trẻ lớn lên hết bò phải biết đứng lên đi.