Bán tài khoản ngân hàng cho đối tượng lừa đảo là tiếp tay cho tội phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Cơ quan CSĐT - CAQ Cầu Giấy, Hà Nội đã bắt giữ thêm đối tượng liên quan đến ổ nhóm mua bán tài khoản ngân hàng (TKNH), hoặc sử dụng CMND đã tẩy xóa thông tin để đăng ký TKNH nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng tỷ đồng.

Đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Hoàng Lân, SN 1992, ở Hà Nội. Từ tháng 3-2021, Nguyễn Hoàng Lân lập nhiều kênh Youtube như “Chim cảnh Hải Nhung”, “Chim cảnh Đình Vũ”... để đăng các video có nội dung bán chim cảnh nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi khách gọi điện đến, Lân giới thiệu mình đang sống ở Điện Biên và yêu cầu người mua chuyển tiền vào các TKNH đã mua từ trước Sau khi người mua chuyển tiền, Lân chặn số điện thoại và không chuyển hàng.

Trước đó, CAQ Cầu Giấy đã bắt giữ Vũ Đức Anh, SN 2000, ở phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa có hành vi mua bán trái phép thông tin TKNH của người khác.

Ngoài đối tượng trên, CQĐT đã bắt giữ Đinh Thành Long, SN 1999, ở chung Cư Green Park, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy về hành vi tàng trữ trái phép thông tin về TKNH và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Đối tượng Nguyễn Hoàng Lân đã bị bắt giữ

Đối tượng Nguyễn Hoàng Lân đã bị bắt giữ

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, thời gian qua, tình trạng mua bán TKNH diễn ra khá phổ biến. Nhiều cá nhân đã dùng tên, giấy tờ cá nhân của mình để làm thẻ, mở TKNH, sau đó bán lại cho người khác để lấy tiền.

Sau khi thu mua, các đối tượng tiếp tục rao bán lại thông tin tài khoản cho các đối tượng khác sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền chiếm đoạt từ hành vi lừa đảo được dịch chuyển thông qua những TKNH không chính chủ.

Về phía người bán TKNH, hầu hết đều có tâm lý cho rằng, sau khi nhận tiền, bản thân không còn liên quan gì đến TKNH đó nữa. Song theo quy đinh hiện hành, hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn TKNH là vi phạm pháp luật – Luật sư Hồng Vân khẳng định.

Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về vi phạm quy định hoạt động thanh toán nêu rõ. phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm cho thuê, cho mượn từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán. Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 50 – 100 triệu đồng với hành vi cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về TKNH.

Điều 291 BLHS 2015 quy định, người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về TKNH của người khác có thể bị phạt tiền từ 2-500 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

“Hầu hết các đối tượng thuê người mở tài khoản, thẻ ngân hàng sau đó sử dụng chính tài khoản, thẻ ngân hàng đó vào mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Những người được thuê mở tài khoản, thẻ ngân hàng thường là học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp. Để không trở thành người tiếp tay cho tội phạm, mỗi cá nhân tuyệt đối không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản thanh toán, thẻ cho người khác, tránh việc tự đẩy mình vào vòng lao lý” – Luật sư Hồng Vân khyến cáo.