Bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh: "Cỗ máy moi tiền" thượng hạng

ANTĐ - Không chỉ Việt Nam hay các nước Đông Nam Á phải khổ sở vì bị hét giá bản quyền truyền hình Premier League quá cao, mà rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng chịu chung cảnh ngộ này.

Bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh: "Cỗ máy moi tiền" thượng hạng ảnh 1Giải Ngoại hạng Anh luôn có sức hút mãnh liệt, đặc biệt ở khu vực châu Á

Bất chấp việc giải La Liga của Tây Ban Nha đang nổi lên nhờ sự hấp dẫn, Bundesliga của Đức bắt đầu làm truyền thông mạnh mẽ, giải Ngoại hạng Anh vẫn có một vị thế vô cùng vững chắc trong lòng người hâm mộ trên khắp thế giới. Ngay cả khi yếu tố chuyên môn có dấu hiệu xuống cấp trong nhiều năm qua, không có đội nào đi sâu ở Champions League hay các ngôi sao sáng thay nhau đi tìm miền đất mới (Bale, Suarez), Premier League (EPL) vẫn không có đối thủ về giá trị thương hiệu và sức hấp dẫn. 

Với nhiều người, cuối tuần có thể bỏ qua Serie A, La Liga hay Bundesliga, nhưng Premier League thì không thể. Điều đó khiến cho giá trị bản quyền truyền hình của EPL ngày càng tăng cao và không có dấu hiệu dừng lại. Mới đây, theo BBC, hai tập đoàn Sky và BT Sport đã mua thành công bản quyền Premier League ở thị trường nội địa Anh quốc với mức giá kỷ lục: 5,136 tỷ bảng/3 mùa giải. Tức là, mỗi mùa giải, các đài này phải chi khoảng 1,7 tỷ bảng để đem Premier League tới cho người hâm mộ ở quốc gia này. Con số này quy đổi ra tiền Việt là khoảng 70.000 tỷ đồng!

Bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh: "Cỗ máy moi tiền" thượng hạng ảnh 2Bản đồ “moi tiền” của EPL trên khắp thế giới

Là một thương hiệu quốc tế, nên bản quyền truyền hình EPL tất nhiên không dừng lại ở cuộc chơi riêng của quốc gia nào. Con số 1,7 tỷ bảng/mùa  có thể làm nhiều người choáng váng, nhưng đó chỉ là bản quyền ở nội địa Anh quốc. Các chuyên gia dự báo, gói 3 năm tới của EPL (từ 2016-2019) được bán cho các đối tác nước ngoài có thể lên tới 1 tỷ bảng/mùa nữa. Điều đó đồng nghĩa, mỗi mùa trong giai đoạn 3 năm tới, BTC Premier League có thể kiếm khoảng 3 tỷ bảng từ bản quyền truyền hình trên khắp thế giới, tương đương khoảng hơn 100.000 tỷ đồng. Đó là lý do vì sao bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh được người ta ví là “Cỗ máy moi tiền” thượng hạng.

Châu Á chính là khu vực màu mỡ nhất mà EPL hướng tới. Chẳng hạn như ở Hồng Kông (Trung Quốc), dù chỉ có khoảng 8 triệu dân, nhưng người hâm mộ ở đây “cuồng” giải Ngoại hạng Anh có thể nói là hàng đầu thế giới. Nhu cầu quá cao, các tập đoàn truyền thông càng có động lực để lao vào cuộc chiến giành bản quyền. Từ đó, bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh ở Hồng Kông thường được bán rất đắt, lên tới 42,67 triệu bảng/năm cho 3 năm tới. Nhưng Hồng Kông vẫn xếp sau 2 quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan và Singapore. Thái Lan chính là đối tác lớn nhất của Premier League ở Đông Nam Á thời điểm này, khi mang về cho Premier League tới 68,3 triệu bảng/mùa. Xếp sau Thái Lan là Singapore với 63,4 triệu bảng/mùa, Malaysia với 42,7 triệu bảng/mùa và Indonesia 17 triệu bảng/mùa. 

Việt Nam là quốc gia hâm mộ bóng đá hàng đầu khu vực, nhưng số tiền dự kiến phải trả để mua bản quyền EPL lên đến 7,5 triệu bảng/năm (252 tỷ đồng), theo các chuyên gia của Daily Mail. Tuy nhiên, đây chỉ là con số dự báo. Lúc này, quá trình đàm phán vẫn đang diễn ra, nhưng có thể thấy rõ nếu các đơn vị truyền hình trong nước không ngồi chung thuyền, rất có thể chúng ta sẽ còn bị “moi” rất nhiều tiền nữa. Và khi ấy, suy cho cùng, chỉ có người hâm mộ là chịu thiệt.