Ban hành bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch:

Ban quản lý các khu du lịch cần có chỉ dẫn cụ thể

ANTD.VN - Nha Trang là địa phương tiếp theo ban hành bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, sau Đà Nẵng và nhiều điểm du lịch trước đó. Động thái này được kỳ vọng sẽ chấn chỉnh hoạt động du lịch, nâng cao tính văn minh trong hành xử của người dân cũng như du khách tại nơi công cộng.

Đà Nẵng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trong du lịch bằng tiếng Trung bằng những hình ảnh sinh động

Không được bôi xấu hình ảnh địa phương

Kể từ ngày 17-8, thành phố Nha Trang - một trong những trọng điểm khách du lịch của cả nước chính thức áp dụng bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch. Phạm vi của bộ quy tắc này gồm 3 đối tượng đó là tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân và tất nhiên là khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến với Nha Trang.

Trong đó, có những quy định đáng lưu ý dành cho khách du lịch đó là: Nên tìm hiểu kỹ các quy định của địa phương về hoạt động dịch vụ du lịch để tránh những vi phạm pháp luật; sẵn sàng hợp tác với chính quyền địa phương trong giải quyết các vụ, việc khi xảy ra về an ninh trật tự.

Đặc biệt, du khách được khuyến cáo “không đưa thông tin sai sự thật nhằm bôi xấu hình ảnh của địa phương”. Có thể thấy sự rõ ràng và thẳng thắn trong thông điệp của thành phố Nha Trang, nhất là trong thời gian hình ảnh môi trường du lịch của thành phố biển đang trở nên xấu đi sau những vụ việc lộn xộn liên quan đến khách du lịch và hướng dẫn viên người Trung Quốc.

Trao đổi với báo giới, ông Đinh Văn Cường - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin của thành phố Nha Trang cho biết, sở dĩ có bộ quy tắc này là do trong thời gian qua, nhiều đoàn khách du lịch, đặc biệt là các đoàn khách người Trung Quốc khi đến tham quan các di tích của Nha Trang đã bị các hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc thuyết minh sai sự thật, xuyên tạc lịch sử địa phương. Được biết, thành phố Nha Trang cũng sẽ sớm thiết lập những bản thông tin bằng nhiều thứ tiếng đặt tại các điểm tham quan để đưa những thông tin đúng đắn nhất tới khách du lịch. 

Cách đây không lâu, Đà Nẵng cũng đã phát hành miễn phí 5.000 bộ quy tắc ứng xử bằng tiếng Trung. Tài liệu này gồm nhiều hình ảnh sinh động, dễ hiểu, nhắc nhở những điều nên và không nên với du khách khi hành xử tại nơi công cộng. Sáng kiến của thành phố Đà Nẵng được nhiều người hưởng ứng, bởi nó làm “mềm hóa” những quy định và giúp du khách có thể hiểu và tiếp cận với quy định một cách dễ dàng hơn. 

Không chỉ trông chờ vào ý thức

Rõ ràng, dù là dưới hình thức nào, việc ban hành các bộ quy tắc ứng xử trong du lịch là hành động kịp thời để xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện. Không chỉ riêng Đà Nẵng, Nha Trang, chính quyền tại nhiều địa phương đã thấy được sự cần thiết phải ban hành những bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho mỗi điểm du lịch.

Chẳng hạn như tỉnh An Giang đã xây dựng riêng một bộ quy tắc dành riêng cho Khu du lịch núi Sam, nơi có miếu bà chúa Xứ - điểm du lịch tâm linh thu hút đông du khách nhất cả nước trên cơ sở tiếp thu bộ quy tắc đã được áp dụng tại khu du lịch núi Cấm.

Trong đó, có những quy định đặc thù dành cho khách hành hương như không chụp ảnh bên trong chính điện, không chạm tay, chụp ảnh tượng Phật, không mua đồ thờ cúng của đền chùa về làm đồ lưu niệm… Khi triển khai một thời gian ở núi Cấm thì bộ quy tắc này đã chứng minh được hiệu quả.  Không còn tình trạng lộn xộn, mất trật tự tại những điểm buôn bán xung quanh các di tích. 

Tuy nhiên, để đi vào chiều sâu, điều cốt lõi vẫn là ý thức chấp hành của người dân, du khách cũng như tất cả những người tham gia vào hoạt động du lịch. Đã đề ra quy định thì phải tuân thủ quy định, nếu sai thì phải xử phạt. Tuy nhiên, với du khách quốc tế, làm sao để khéo léo nhắc nhở mà vẫn khiến họ vui vẻ chấp hành thì lại là chuyện khác.

Điều này đòi hỏi ngoài quy định, thì ban quản lý các khu du lịch cũng phải có chỉ dẫn, giải pháp ứng phó. Chẳng hạn, Thái Lan đã đưa ra quy định đối với du khách ăn mặc quá ngắn vào nơi thờ tự, một là buộc ra ngoài, hai là du khách đó phải thuê xà rông để cuốn vào người.

Hay để khắc phục tình trạng hướng dẫn viên “chui” tung tin bịa đặt, sai sự thật thì nhiều điểm di tích đã chuẩn bị sẵn nguồn hướng dẫn viên đủ trình độ để thuyết minh cho du khách ngay tại chỗ. Nếu những biện pháp này được thực hiện triệt để sẽ hạn chế cũng như kiểm soát được tình trạng tự phát, mất trật tự cũng như cư xử thiếu văn minh tại các điểm du lịch.