Những nỗi gian truân của liên quân 141 (2)

Bản lĩnh và trách nhiệm

ANTĐ - Từ tội phạm ma túy đến những tên trộm cắp, móc túi… đều tìm đủ trăm mưu nghìn kế giấu hàng, bỏ trốn để tránh sự phát hiện, truy bắt của lực lượng 141. Cũng có những thành phần dù không hề quen, thân với “ông nọ, bà kia” nhưng vẫn mang ra dọa “141”.

CSCĐ, CSHS quật ngã đối tượng tàng trữ vũ khí bỏ chạy

Không có vùng cấm khi xử lý

Trước khi Kế hoạch 141 được triển khai, hàng loạt các vụ trọng án đường phố đau lòng đã xảy ra. Những vụ giết người chỉ vì vô tình va chạm xe hoặc chỉ vì cái “nhìn đểu” khiến cho người dân Thủ đô hoang mang, lo sợ. Hình ảnh những thanh thiếu niên ngổ ngáo, không đội mũ bảo hiểm phóng xe bạt mạng trên đường thách thức, chống đối lại CSGT khi bị xử phạt cũng ngày một gia tăng. Trong bối cảnh đó, “141” ra đời cùng với những chiến công lập được đã làm nức lòng người dân Thủ đô. Trọng án giết, cướp từ mâu thuẫn đường phố đã giảm hẳn. Bên cạnh thành tích còn là những hiểm nguy luôn rình rập. “Đã tham gia liên quân 141 thì xử lý không thể không có đụng chạm và gặp phải chống đối”-Trung tá Thiều Mạnh Ngọc-Đội phó Đội CSGT số 2 chỉ huy tổ công tác Y2/141 khẳng định. 

Là một trong những CBCS đầu tiên tham gia liên quân 141, đến nay Trung tá Thiều Mạnh Ngọc không thể nhớ hết bao nhiêu lần bản thân anh và đồng đội bị các đối tượng vi phạm chống đối ở các mức độ khác nhau. Những hành vi như bỏ phương tiện lại hoặc lao thẳng xe vào tổ công tác để chạy trốn rất nguy hiểm nhưng lại không khó để CBCS xử lý. Đơn giản bởi việc bố trí lực lượng từ hóa trang mật phục đến công khai, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ công tác, khiến khó đối tượng nào có thể chạy thoát. Chỉ đạo kiên quyết “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và không có vùng cấm khi “141” xử lý” của Ban Giám đốc CATP đã tiếp thêm sức mạnh cho các tổ 141, xóa đi những băn khoăn của CBCS trước giờ lên đường làm nhiệm vụ.

“Một trong những đối tượng mạo danh liều lĩnh nhất phải kể đến “nữ quái” Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1981), quê ở Thái Bình. Tâm không nghề nghiệp, sống lang thang và cặp kè với Nguyễn Văn Dũng (SN 1977), ở Từ Liêm”-Trung tá CSHS Trần Anh Sơn nhớ lại. Đang trong thời gian tại ngoại phục vụ điều tra của CAH Từ Liêm về hành vi giả danh nhà báo, gọi điện cho một số đồng chí lãnh đạo TP để xin xỏ, đánh tháo xe vi phạm, Tâm và người chồng hờ đi xe máy vi phạm Luật Giao thông. Đã vậy, cả hai còn lớn tiếng lăng mạ, vu vạ lực lượng làm nhiệm vụ đánh người. Trong khi Dũng diễn trò lăn lộn dưới đất kêu đau thì Tâm rút điện thoại gọi cho một đồng chí lãnh đạo của CATP vu “141” đánh dân. Và lần này, thay vì được tại ngoại, Cơ quan CSĐT đã bắt giữ Tâm, thu giữ nhiều giấy giới thiệu của một vài cơ quan báo chí đã hết hạn sử dụng được Tâm dùng để đi lòe bịp. Bản thân Tâm sau đó còn được làm rõ là đối tượng nghiện ma túy.

Giữ nghiêm kỷ luật, tạo sự bất ngờ

Quá trình đồng hành cùng “141” để viết loạt bài này, nhóm PV chúng tôi ghi nhận được rất nhiều những tình cảm động viên của người dân dành cho CBCS trong các tổ công tác. Có nhiều người dân đi đường như bác Trần Văn Huỳnh, ở Cầu Giấy, Hà Nội khi chứng kiến hành động dũng cảm quật ngã đối tượng trộm cắp của CSHS thuộc Y10/141 ở ngã tư Kim Mã-Núi Trúc đã dừng xe, đến bắt tay chúc mừng tổ công tác. Hay như tổ Y1/141 khi đang làm việc giữa trưa nắng ở Nguyễn Thái Học-Văn Miếu, bà Nguyễn Thị Mùi nhà gần đó đã cùng con cháu bê hẳn một thùng nước chè tươi và đá lạnh ra mời CBCS uống. Nhiều người dân còn không quản ngại hiểm nguy tham gia hỗ trợ tổ công tác bắt giữ hoặc làm chứng tố cáo hành vi lăng mạ, chống đối “141” của đối tượng vi phạm. 

Bên cạnh đa số người dân ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ lực lượng 141, vẫn còn một số ít người tò mò dừng xe, đổ xô ra đứng xem. Ngoài việc gây ùn tắc giao thông, sự nhốn nháo, hò hét của người dân rất dễ tạo điều kiện cho các đối tượng tội phạm lợi dụng để chạy thoát hoặc phi tang vật chứng. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ. Ngay như ở ngã tư Nguyễn Sơn-Nguyễn Văn Cừ vào đêm cuối tháng 9, sau khi lực lượng của Y12 triển khai đội hình, hàng trăm người dân đứng chật kín ở 4 góc ngã tư, chen cả vào khu vực xử lý để xem. Mỗi khi CSHS và CSCĐ lao ra đường dừng xe, kiểm tra đối tượng vi phạm, cả một dòng người ào ào chạy theo. Lực lượng CAP ra hỗ trợ quá mỏng đã không ổn định được trật tự, khiến cho Y12 phải chuyển vị trí làm nhiệm vụ. “Hầu hết lực lượng CAP, quận, huyện đều ra hỗ trợ khi 141 làm trên địa bàn nhưng cũng có một số ít đơn vị sự phối hợp vẫn còn chưa chặt chẽ. Công tác bắt giữ, kiểm tra đối tượng vi phạm trong bối cảnh người dân đứng xem lộn xộn, nhốn nháo sẽ rất nguy hiểm. Thiếu tá Trần Quang Vinh-chỉ huy Y1/141 cho hay.

Để một kíp trực của “141” hoàn thành nhiệm vụ, CBCS không xảy ra sai sót, thương vong thì khâu bố trí lực lượng, giám sát có vai trò rất quan trọng. Theo Trung úy Nguyễn Ngọc Thuật-cán bộ Đội Tham mưu Phòng CSGT phụ trách theo dõi các tổ liên quân: “Đành rằng tăng cường thêm 10 tổ sẽ tăng sức mạnh trấn áp nhưng để sắp xếp các tổ ở vị trí nào sao cho đảm bảo tính cơ động, hỗ trợ được cho nhau là không hề dễ dàng”. 

Sau mỗi đêm đi trấn áp tội phạm hình sự, tất cả CBCS tham gia tổ 141 đều phải hoàn thành nhiệm vụ được phân công ở đơn vị. Như Trung tá Thiều Mạnh Ngọc-Đội phó Đội CSGT số 2, dù 1h sáng hết ca trực “141” nhưng 5h sáng vẫn phải có mặt ở đơn vị để chỉ huy lực lượng chống ùn tắc trên địa bàn quận Tây Hồ, Ba Đình. Hay Trung tá Phạm Văn Tuyến, xong ca trực ở Đội CSGT số 5 lại tất bật chỉ huy Y10/141 di chuyển vào tận Hà Đông, Thanh Trì chống tội phạm. Việc cả tuần không có thời gian về nhà ăn cơm, thăm vợ con đều gặp ở 90% CBCS tham gia tổ 141. Tuy nhiên, tất cả những CBCS đều tự hào khi được tham gia vào liên quân 141.