Bản lĩnh doanh nhân trong dịch Covid-19 và những câu chuyện truyền cảm hứng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 12/10, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm: Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch Covid-19; đồng thời phát hành ấn phẩm Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc.

Sự kiện diễn ra nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Tại Tọa đàm, các diễn giả đã cùng bàn luận, phân tích và nêu bật lên những đóng góp to lớn, thể hiện trách nhiệm xã hội, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong gần 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, ở Việt Nam, từ sau Đổi mới đến nay đã hình thành đội ngũ doanh nhân có khát vọng lớn và đi tiên phong trong các cuộc cách mạng làm giàu cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế gặp phải muôn vàn khó khăn, doanh nhân Việt Nam đã chủ động thích ứng, kiên cường trước cơn sóng lớn, tận tâm đóng góp sức lực và vật chất cho cộng đồng và đất nước để vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

Các chuyên gia tham gia buổi Tọa đàm

Các chuyên gia tham gia buổi Tọa đàm

Nhận định về vai trò của khu vực doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh bình thường mới, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, sau khoảng 4 tháng “đóng cửa” để cách ly chống dịch, ở khu vực phía Nam, chúng ta nhìn thấy sự “rơi thẳng đứng” của nền kinh tế với sự “ra đi” của 10.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã nhìn thấy năng lực rất lớn của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc phòng chống dịch, tự chịu trách nhiệm và quản lý. Vấn đề là chúng ta phải làm sao để kéo được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cùng đồng hành chống dịch với cả nước nhiều hơn nữa.

TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đề xuất Giải pháp “5T” từ Chính phủ và “3 Hóa” từ doanh nghiệp.

Thứ nhất là “trợ thở” bằng cách mở cửa; Thứ hai là “tiếp máu” cho doanh nghiệp bằng các chính sách tài khoá; Thứ ba là “tháo gỡ” khó khăn vướng mắc, cởi trói chính sách cho doanh nghiệp; Thứ tư là cần “thúc đẩy nâng cao trình độ” của doanh nghiệp; và thứ năm là “tiếp cận thị trường” thông qua các chương trình xúc tiến thương mại mạnh mẽ.

Chia sẻ về những lực cản, nút thắt cản trở sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, vướng mắc lớn nhất là các doanh nghiệp đang “kẹt cứng” ở mô hình “Zero Covid”. Theo ông, cần phải gỡ từ các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn. Nếu chúng ta muốn phát triển kinh tế thì cần phải chấp nhận có các ca Covid-19 nhưng năng lực y tế đáp ứng được.

“Tôi cho rằng cần áp đặt một chế độ trách nhiệm cân bằng. Nếu chỉ áp đặt cho cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra Covid-19 tràn lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế. Do đó, cần phải áp đặt cân bằng hai mục tiêu vừa chống Covid-19, vừa phát triển kinh tế”, ông Dũng nêu quan điểm.

Nhìn từ đại dịch Covid-19, TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng đã đến lúc chúng ta cần hoạch định rõ ràng cho tương lai bền vững. “Để làm được điều này, đầu tiên cần sửa là cơ chế. Cái gì Nhà nước không cấm thì cần mở ra cho doanh nghiệp làm. Cần cơ chế cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Cần dồn sức lo cho doanh nghiệp, khen chê cần rõ ràng thì doanh nghiệp mới phát triển đi lên được”.

Ra mắt ấn phẩm “Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc”

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã cho ra mắt ấn phẩm: Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc. Ấn phẩm nhận được sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sự cố vấn của Hội đồng khoa học, bao gồm các chuyên gia kinh tế - chính sách, nhà văn hóa, nhà quản lý hàng đầu của Việt Nam.

Ấn phẩm phác họa chân dung 30 doanh nhân truyền cảm hứng trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam nói chung. Theo nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, chân dung 30 doanh nhân xuất hiện trong ấn phẩm là đại diện cho tầng lớp doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới.

Đó là những người không chỉ làm giàu cho mình, cho cộng đồng, cho xã hội, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển mà còn tạo dựng hình ảnh người Việt Nam tự chủ, năng động – niềm kiêu hãnh và khát vọng trên thương trường. Đó cũng là những người đã góp phần thay đổi và hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam, nhất là khi đi vào nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cũng chính thức công bố triển khai 02 Dự án truyền thông mới giai đoạn 2021–2022 là: Dự án truyền thông: Doanh nghiệp, doanh nhân và chuyển đổi số và Dự án nghiên cứu và công bố Chỉ số thường niên về phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam.