Bán lẻ nước ngoài gia tăng sức ép với bán lẻ trong nước

ANTD.VN - Bộ Công Thương cho biết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EVFTA, CPTPP sẽ gây áp lực lớn lên ngành bán lẻ trong nước khi hơn 60% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có quy mô siêu nhỏ, năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh kém.

Bán lẻ nước ngoài gia tăng sức ép với bán lẻ trong nước ảnh 1

Doanh nghiệp bán lẻ sẽ phải cạnh tranh gay gắt

Cơ hội chia đều cho 2 bên?

Với hơn 96 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020, thị trường phân phối Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển,

Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, tại Việt Nam, tỷ lệ này chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...

Cùng với các yếu tố thuận lợi khác, trong thời gian qua, làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục "đổ" vào ngành bán lẻ Việt Nam. Có thể nhận thấy trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới.

Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như: Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt.

Đối trọng với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài hùng hậu chỉ có một số ít nhà bán lẻ Việt Nam có tên tuổi như: Saigon Co.op, VinCommerce, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra, BRG Retail…

Thực tế này cho thấy, trong tương lai gần, khi EVFTA có hiệu lực thực thi thì cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam.

Bộ Công Thương nhận định: “Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, đặc biệt đối với phân khúc khách hàng cao cấp thiếu vắng thương hiệu Việt Nam.

Các doanh nghiệp lớn của nước ngoài liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới”.

Thâu tóm bán lẻ trong nước qua M&A

Bộ Công Thương cùng đã nhìn thấy một nguy cơ hiển hiện là “làn sóng” thâu tóm, mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ diễn ra sôi động trong lĩnh vực bán lẻ thông qua sáp nhập hợp nhất hay mua lại doanh nghiệp.

“Xu hướng này lại càng có cơ sở khẳng định khi nhiều tập đoàn nước ngoài đã công khai kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam bằng M&A thay cho đầu tư trực tiếp (FDI), chọn M&A như một chiến lược thâm nhập thị trường nội địa nhanh nhằm tận dụng hệ thống phân phối, cơ sở vật chất, mạng lưới chi nhánh và nguồn nhân lực sẵn có của các doanh nghiệp trong nước.

M&A là con đường ngắn và nhanh nhất để sở hữu thị phần, chuỗi cung ứng bán lẻ đang hoạt động và số lượng khách hàng hiện có của các doanh nghiệp trong nước”- đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ trong nước có hơn 60% quy mô siêu nhỏ, nhu cầu về vốn rất lớn, kỹ năng quản trị chưa chuyên nghiệp sẽ dễ bị cuốn vào làn sóng này.

Tuy vậy, “vũ khí” để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vẫn khá khiêm tốn, là: lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng…

EVFTA, CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nếu như doanh nghiệp Việt Nam giữ được thế chủ động trong hội nhập, biết tận dụng lợi thế của mình.

Trước tình hình trên, để hạn chế những tác động tiêu cực và tận dụng các cơ hội mới do EVFTA mang lại, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp bán lẻ nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ EVFTA;

Chuẩn bị và nâng cao khả năng xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như: lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.

Đồng thời, cần tăng cường liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm và tin cậy đối với khách hàng qua việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước/khu vực/toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.