Bán hàng Livestream: Hên - xui người mua được như ý(!?)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù không phải mới, nhưng livestream (phát trực tiếp) để bán hàng lại đang nở rộ trong thời gian gần đây. Hàng hóa, sản phẩm thật hơn, sinh động hơn, người mua dễ hình dung hơn, là một trong những thế mạnh khiến cho loại hình kinh doanh này có sức thú hút lớn. Ước tính của một sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho thấy, lượng đơn hàng chốt được sau 1 phiên livestream có thể gấp 2,5 lần so với các hình thức bán hàng TMĐT thông thường khác.
Người mua nên tìm hiểu kỹ thông tin khi mua hàng qua livestream

Người mua nên tìm hiểu kỹ thông tin khi mua hàng qua livestream

Ưu thế vượt trội

Xuất hiện rất sớm tại Trung Quốc và Hàn Quốc, livestream đã mang lại những nguồn thu khổng lồ cho người bán hàng tại 2 quốc gia này. Tại Trung Quốc, nhiều ngôi sao lớn trong làng giải trí đều livestream bán hàng. Còn tại Việt Nam, cuối năm 2019, trào lưu bán hàng qua livestream bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mua sắm trực tiếp bị hạn chế, livestream có cơ hội bùng nổ. Rất nhiều người nổi tiếng tại Việt Nam như: diễn viên T.H, L.P, ca sĩ B.D, người mẫu N.Tr… tham gia livestream bán hàng và nhận được sự tin tưởng của người mua.

Theo một chuyên gia về thương hiệu, livestream ngày càng được ưa chuộng là nhờ hội tụ nhiều yếu tố như: tính giải trí, tính thực tế… Nếu như với mua sắm online thông thường, người mua thường e ngại vì không được nhìn tận mắt sản phẩm, khó hình dung cảm giác cầm trên tay, mặc trên người ra sao, thì với livestream người mua dường như được quan sát gần hơn, sinh động và thực tế hơn. Qua đó, mức độ tin tưởng ở người dùng được gây dựng đáng kể. Bên cạnh đó, sự linh hoạt của các sàn TMĐT hay website bán hàng khi mời các ngôi sao giải trí nổi tiếng tham gia cũng khiến người mua được tương tác và tăng thêm sự tin tưởng. Do đó, họ nhanh chóng ra quyết định đặt hàng.

Tuy vậy, livestream cũng có những điểm hạn chế và tính cạnh tranh ngày càng cao. Không phải ngẫu nhiên mà tại các chương trình livestream, người bán hàng thường đưa ra các ưu đãi lớn như: chỉ bán giá ưu đãi cho 20 khách hàng đầu tiên; giảm giá tới 70% khách hàng chốt đơn ngay tại buổi livestream… Để cạnh tranh và thu hút người xem, người mua, livestream buộc phải đưa ra mức giá hấp dẫn hơn. Đại diện một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cho nhà bán hàng trên các sàn TMĐT cho hay, có ít nhất 4 thách thức mà người bán cần giải quyết nếu muốn sống còn với con đường này là: Nội dung livestream phải thu hút, deal phải tốt hơn mua offline hay mua bình thường qua sàn; chất lượng sản phẩm phải tốt để người mua còn quay lại; giao hàng phải đủ nhanh để khách hàng còn thích thú và mong chờ, không bị lãng quên giữa hàng chục livestream khác mà họ xem mỗi ngày. Ngoài ra, việc chăm sóc khách hàng như phương thức thanh toán, bảo hành, đổi trả có giúp họ hài lòng hay không cũng là yếu tố rất quan trọng. Theo đánh giá của người tiêu dùng, các sàn TMĐT và website bán hàng đang thực hiện khá bài bản, chặt chẽ các bước này để thu hút và giữ chân khách, nhưng bên cạnh đó, các nhà bán hàng nhỏ lẻ qua mạng xã hội lại dường như chỉ chạy theo lượng người xem và số lượng đơn hàng chốt, ít chú trọng đến các yếu tố bền vững khác.

Doanh số tăng mạnh

Là sàn TMĐT đang dẫn đầu về lượng người truy cập tại Việt Nam trong suốt nhiều tháng qua, Shopee cho biết một trong những bí quyết của họ là khai thác hình thức bán hàng qua livestream. Đặc biệt, để thu hút người dùng, Shopee Live đã kết nối với những người nổi tiếng như: ca sĩ, diễn viên, người mẫu… trong các chương trình livestream. “Ngày 9-9 vừa qua, ngày siêu mua sắm đối với người dùng trên toàn khu vực, số giờ xem các live stream trực tiếp trên Shopee đã tăng gấp 3 lần so với ngày bình thường. Shopee Live cũng mang đến cho người dùng những cách thức mới để khám phá và mua sắm theo xu hướng mới nhất, với số lượng mặt hàng được mua trong các livestream trực tiếp nhiều gấp 2,5 lần trong thời gian này” - đại diện Shopee cho hay.

Sàn TMĐT luôn có cách thức bán hàng đa dạng và chuyên nghiệp, nhưng livestream hiện đang được đánh giá cao về tính hiệu quả so với cách thức khác. Đại diện một sàn TMĐT khác cho hay, livestream giúp người bán chốt đơn gấp 5-10 lần so với cách thức truyền thống. Vì vậy, nhiều sàn không ngừng đầu tư, phát triển tính năng này nhằm thu hút người dùng ở lại lâu hơn với nền tảng online và gia tăng mua sắm. Nắm bắt xu thế bán hàng này, thương hiệu thời trang Ivy Moda liên tục thực hiện 140 chương trình livestream bán hàng (tính đến ngày 18-9), mỗi chương trình khoảng 1 giờ, chưa kể các buổi phát trực tiếp ngắn khác. Mỗi chương trình Ivy Moda phát sóng trực tiếp thu hút khoảng 5.500 lượt người xem với hơn 300 người hỏi và chốt đơn hàng. Có thể nói, số lượng người xem và chốt đơn hàng này là điều đáng mơ ước đối với các nhà bán lẻ trực tuyến.

Không chỉ Shopee, người bán hàng trên các sàn TMĐT lớn khác, các website và các mạng xã hội: Zalo, Facebook… đều đang khai thác tối đa hình thức này. Người dùng Facebook chỉ cần đăng nhập, lập tức trên tường trang cá nhân đã hiện ngay ra các chương trình livestream bán hàng với hàng nghìn người theo dõi, bình luận. Hàng hóa giới thiệu vô cùng phong phú, từ thuốc chữa hôi miệng, hôi nách, sâu răng giá trị vài chục nghìn đồng một sản phẩm đến xe máy, ô tô giá bạc tỷ.

Thả nổi chất lượng?

Là người thường xuyên mua sắm trực tuyến, mới đây, chị Thu Hải (Đống Đa - Hà Nội) đặt mua trên mạng sản phẩm là cặp dầu gội đầu có thương hiệu nổi tiếng. Người bán quảng cáo đây là hàng chính hãng, do nhập số lượng lớn nên bán với giá ưu đãi. “Giá hàng hóa trên livestream luôn thấp hơn so với hàng bán qua hình thức khác, lại được nhìn thấy người bán và sản phẩm thực tế nên tôi đặt mua. Tuy nhiên, khi nhận hàng tôi thấy chữ trên chai không rõ, dầu gội loãng, mùi không đúng như loại tôi đã dùng” - chị Thu Hải cho hay.

Cách đây gần 1 tuần, ca sĩ nổi tiếng S.T cũng đã phải giải thích trên trang cá nhân về chất lượng sản phẩm mặt nạ đắp mặt của một hãng mà ca sĩ này là đại diện và quảng cáo trên livestream. Nhiều người cho rằng sản phẩm mặt nạ này không đảm bảo chất lượng, có thể gây hại cho người sử dụng. Hiện chưa rõ ai đúng ai sai trong trường hợp cụ thể này, song thực tế này đã cho thấy, chất lượng sản phẩm được bán qua livestream vẫn gây tranh cãi. Việc bán - mua vẫn dựa trên sự tin tưởng, mà không có chứng cứ xác thực khẳng định chất lượng. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, nội dung livestream là trong thời gian thực nên không thể có bên thứ 3 kiểm soát hay kiểm duyệt được ngay. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa kém chất lượng hoặc hàng giả có thể khai thác. Điển hình như vụ việc lực lượng quản lý thị trường cách đây vài tháng đã phát hiện kho hàng giả “khủng” tại Lào Cai, chuyên livestream bán hàng lậu. Trong 2 năm, 5 đối tượng trong nhóm kinh doanh của kho hàng này đã thu về hơn 649 tỷ đồng. Tổng cục Quản lý thị trường sau đó khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi mua hàng qua livestream nếu không biết rõ người bán, chất lượng hàng hóa...

Bên cạnh đó, một rủi ro lớn khác là mất thông tin cá nhân. Trường hợp kho hàng ở Lào Cai cũng là một ví dụ. Cơ quan chức năng phát hiện nhóm đối tượng lấy UID (mã định danh) của người dùng trên Facebook. Với UID của người dùng, kẻ xấu có thể lợi dụng xác định được tên, tuổi, địa chỉ, email, số điện thoại... Do đó, người mua cần tìm đến các địa chỉ bán hàng uy tín, được đảm bảo hoặc lưu lại thông tin giao dịch để được đảm bảo quyền lợi nếu phát sinh rủi ro.

Thực tế đã cho thấy, chất lượng sản phẩm được bán qua livestream vẫn gây tranh cãi. Việc bán - mua vẫn dựa trên sự tin tưởng, mà không có chứng cứ xác thực khẳng định chất lượng. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, nội dung livestream là trong thời gian thực nên không thể có bên thứ 3 kiểm soát hay kiểm duyệt được ngay. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa kém chất lượng hoặc hàng giả có thể khai thác.