Bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Gần Tết, số lượng hàng hóa buôn bán ngày càng nhiều, trong số đó có rất nhiều loại không có nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Vậy những người buôn bán hàng hóa như thế này có bị xử lý không? Đỗ Huệ Anh (Ba Đình, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: 

Bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào? ảnh 1Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa dịp giáp Tết

Hiện nay, pháp luật không định nghĩa thế nào là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, hiểu từ khái niệm “Xuất xứ hàng hóa” theo Khoản 14 Điều 3 - Luật Thương mại 2005 và văn bản hướng dẫn thì có thể hiểu rằng: hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là hàng hóa không xác định được nguồn gốc của nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến, sản xuất cuối cùng đối với hàng hóa có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa. 

Theo pháp luật hiện hành, cụ thể tại điều 21 Nghị định 124/2015/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung nghị định 185/2013/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thì hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị phạt tiền lên mức 40.000.000 đồng và phạt gấp đôi đối với hàng hóa đặc thù như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, hàng hóa hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện như sau:

“Điều 21. Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác.

a) Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;

b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;

c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

d) Kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội”.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ) và biện pháp khắc phục hậu quả (tiêu hủy hàng hóa, nộp lại số lợi bất chính).

Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì còn có thể bị khởi tố điều tra, truy tố theo Điều 188 BLHS về tội buôn lậu với mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân là 15 năm tù, với pháp nhân là bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.