Bán hàng đa cấp “núp bóng” thương mại điện tử thực chất là... lừa tiền

ANTĐ - Dưới danh nghĩa sàn thương mại điện tử, khá nhiều công ty đang bán hàng đa cấp trá hình. Rất nhiều người, mà đa số là sinh viên, hoặc những người thiếu hiểu biết đã đổ tiền vào đây. Bộ Công thương cũng đã chính thức cảnh báo về hiện tượng này, tuy nhiên đến nay vẫn có khá nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục “lừa tiền” bằng hình thức này.
Bán hàng đa cấp “núp bóng” thương mại điện tử thực chất là... lừa tiền ảnh 1


Lợi nhuận khủng

Ngày 17-5, tôi nhận được điện thoại của một người tên H mời đến công ty shop360.xxx tại đường Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Đó là một tòa nhà 3 tầng, tầng một là lễ tân và có vài mặt hàng sơ sài để trên kệ như máy trồng rau mầm, hộp cơm hâm nóng… Tầng 2 là 3-4 bàn tư vấn.  Tại đây, có khá nhiều người cũng được mời đến và mỗi bàn có một tư vấn viên luôn miệng nói về những lợi nhuận nếu tham gia trở thành thành viên. Ông H cũng cho chúng tôi xem tài khoản của mình với phần trăm lợi nhuận rất cao.

Ông nói rằng mình là giám đốc doanh nghiệp, đã nghỉ hưu, mới vào làm việc tại đây được 3 tháng, trực tiếp tuyển 10 người nhưng 10 người này lại tiếp tục tuyển được 90 người. Mỗi người tuyển vào ông được hưởng 360.000 đồng. Những người dưới ông tuyển vào, ông cũng được phần trăm hoa hồng. Vì vậy thu nhập mỗi tháng của ông lên tới vài chục triệu đồng mà không mất một chút công sức nào. “Tiền cứ hàng ngày tự động vào tài khoản do những người dưới mình làm. Hôm nay 90 người, ngày mai có thể là 100 người, những người này hoạt động thì tôi cũng có tiền. Ví dụ hôm nay tôi không làm gì nhưng đã có 900.000 đồng do những người bên dưới tuyển vào. Chỉ một hai tháng nữa, tôi có thể sẽ lên những cấp quản lý cao hơn, thì thu nhập sẽ còn cao gấp nhiều lần. Ông H còn đưa ra ví dụ lương ở mức lãnh đạo có thể thu nhập tới trăm triệu một tháng. Đây thực sự là cơ hội làm việc cho những ai muốn làm giàu”. Rồi ông đưa danh sách hội đồng tư vấn chuyên môn, thành viên Hội đồng quản trị đều là những người có tiếng tăm, chức sắc trong xã hội như Giám đốc ngân hàng này, Chủ tịch Hiệp hội nọ, vì vậy hoàn toàn có thể tin tưởng. 

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ để trở thành thành viên, mỗi người phải nộp vào công ty 3.800.000 đồng. Thấy chúng tôi lắc đầu, ông H vồn vã luôn: Bây giờ bạn đi xin việc có khi phải mất đến vài trăm triệu, trong khi vào làm tại đây bạn chỉ mất 3.800.000 đồng, một số tiền rất nhỏ và có thể chỉ làm một tuần, bạn đã thu hồi vốn. Ngoài việc hưởng hoa hồng trong việc tuyển người, các thành viên còn có cơ hội mua hàng của công ty với giá gốc. Khi tôi hỏi đây có phải là hình thức kinh doanh đa cấp, thì ông H chối phắt: Em nhầm rồi, đây là thương mại điện tử. Một hình thức kinh doanh tiên tiến nhất hiện nay.

Dưới danh nghĩa sàn thương mại điện tử, một trang web khác là trang web muaban24.xxx cũng đã bán hàng đa cấp trá hình. Rất nhiều người mà đa số là sinh viên đã đổ tiền vào đây. Những người mua gian hàng ở đây bỏ tiền ra (5,2 triệu đồng) không nhằm mục đích bán hàng hay hưởng lợi nhờ mua hàng khuyến mãi mà chủ yếu nhờ tiền hoa hồng từ việc giới thiệu người khác. Nếu giới thiệu hai người tham gia sẽ được nhận 1,5 triệu đồng/người (trích từ số tiền 5,2 triệu đồng/người nộp khi mua gian hàng), nếu mỗi chân mời thêm hai người vẫn sẽ được nhận 1,5 triệu đồng/người, mỗi cặp mời thêm 2 người nữa, mỗi đối xứng đó được thêm 320.000 đồng/người. 

Với lời hứa sẽ thu siêu lợi nhuận, nhiều sinh viên đã phải vay tiền bạn bè để mua gian hàng, rồi lôi kéo chính bạn bè, người thân của mình tham gia vào sàn để kiếm hoa hồng hệ thống. Tuy nhiên nhiều thành viên sau một thời gian ngắn tham gia vào trang này đã phải từ bỏ, chấp nhận mất 5,2 triệu phí đăng ký không đòi lại được. Theo khẳng định của các tư vấn viên, người bỏ không tham gia sẽ không được hoàn tiền mua gian hàng, vì đã được ăn chia dựa vào số tiền hoa hồng khi giới thiệu và một phần trừ vào “phí duy trì dịch vụ của công ty và trả cho các thành viên VIP”. Cụ thể, 10% của 5,2 triệu tương ứng 520.000 văn phòng công ty sẽ thu, 3% là phí đào tạo, 87% còn lại thưởng cho người có công xây dựng chợ giao dịch (thực chất là những người đứng đầu hệ thống).

“Núp bóng” thương mại điện tử

Gần đây, Bộ Công thương đã chính thức cảnh báo hiện tượng một số doanh nghiệp có biểu hiện núp bóng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện kinh doanh đa cấp lừa tiền của các tổ chức, cá nhân. Các doanh nghiệp này thường hứa hẹn các mức thu nhập cao từ “phát triển mạng lưới gian hàng”. Từ đó làm mồi câu người dùng nộp tiền vào cho họ để trở thành hội viên. Phần lớn những người nộp phí mua gian hàng ảo trên website đều hướng vào mục tiêu thu lợi nhuận từ hoạt động giới thiệu, lôi kéo người khác tham gia thay vì tiến hành kinh doanh trên những gian hàng này, vì mức hoa hồng cực khủng và cơ chế phân chia hoa hồng đa cấp. 

Theo Tiến sĩ, Luật sư Vũ Thái Hà, Công ty Luật TNHH YouMe: Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 110/2005/ NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không  được thực hiện một số hành vi sau: 1) Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; 2) Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; 3) Yêu cầu người muốn tham gia phải trả tiền hoặc trả bất kỳ khoản phí nào dưới hình thức khóa học, khóa đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội, hay các hoạt động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp trừ tiền mua tài liệu theo quy định; 4) Cam kết cho người tham gia trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp; 5) Cản trở người tham gia trả lại hàng hóa phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; 6) Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; 7) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia có quyền hưởng; 8) Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; 9) Cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp. Căn cứ vào quy định nêu trên, việc doanh nghiệp yêu cầu nộp tiền mới được tham gia, mua sản phẩm, cho người tham gia nhận tiền hoa hồng từ việc dụ dỗ người khác tham gia… là trái với quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên hình thức bán hàng đa cấp “núp bóng” sàn giao dịch thương mại điện tử vẫn đang hoạt động dưới các hình thức tinh vi với những chiêu lừa mới. Vì vậy, sinh viên, các bạn trẻ cần đề cao cảnh giác với kiểu “lừa đảo có tổ chức” này. Đồng thời các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc ngăn chặn việc các công ty bán hàng đa cấp núp bóng sàn giao dịch thương mại điện tử để lừa đảo như hiện nay.