Ảnh vệ tinh hôm 14-9 ghi nhận các công trình xây dựng của Trung Quốc
trên đảo nhân tạo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Với tựa đề “Trung Quốc đã có một số bước đi mới trong xây dựng trên đảo Johnson South Reef (tài liệu hàng hải quốc tế gọi là đảo Gạc Ma)”, bài viết của 2 chuyên gia James Hardy và Sean O’Connor cho hay, hồi đầu năm 2014, dấu vết nhân tạo ở khu vực này mới chỉ là một nền bê tông nhỏ đặt cơ sở thông tin liên lạc, đơn vị đồn trú và bến tàu. Tuy nhiên, đến nay, bao quanh sàn bê tông đó là một hòn đảo chiều rộng nhất gần 400m, bao phủ diện tích khoảng 100.000m2.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cho làm một đoạn đê biển kiên cố bao quanh đảo, một bến cảng cơ động và một cầu tàu ở phía Tây Bắc đảo này. Về phía Tây Nam có thể nhìn thấy các khối móng được cho là để xây một tòa nhà lớn cùng máy bơm khử muối, một nhà máy bê tông và một bãi chứa nhiên liệu.
Bãi Gạc Ma không phải là công trường xây dựng duy nhất của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa. Hình ảnh chụp được ngày 13-9 do truyền thông Trung Quốc phát đi cho thấy, một công trình xây dựng tương tự ở bãi Châu Viên ở nhóm đảo phía Tây Nam của Trường Sa có các nhà máy khử mùi, cần trục, máy khoan và vật liệu xây dựng.
Dữ liệu theo dõi của tàu AISLive do tạp chí IHS Jane’s công bố vào tháng 6-2014 cho thấy, tàu nạo vét Ting Jing Hao (chuyên phụ trách công tác cải tạo đất của Trung Quốc ở Trường Sa) đã tới bãi Châu Viên 3 lần kể từ tháng 9-2013, lần gần đây nhất là từ ngày 10-4 đến 22-5. Ting Jing Hao đã thực hiện nạo vét tại đảo Gạc Ma, đồng thời cũng tác nghiệp tại đảo Ga Ven, trung tâm của quần đảo Trường Sa và gần đảo Ba Bình. Tháng 8 vừa qua, Chính phủ Philippines cũng công bố hình ảnh cho thấy sự cải tạo đáng kể của Trung Quốc tại bãi Đá Kennan, một trong các khu vực do Việt Nam nắm quyền kiểm soát.
Trung Quốc đang xây dựng các hòn đảo xung quanh nền bê tông mà họ đã đổ lên trên các rạn san hô trong những năm 1980 và 1990. Như vậy, việc mở rộng cải tạo đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, trong đó các nước có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này cam kết không để tình hình căng thẳng leo thang bằng các hành động xây dựng hay quân sự hóa khu vực họ nắm quyền kiểm soát.
Hoạt động của Bắc Kinh ở Trường Sa trong 12 tháng qua là một thách thức lớn đối với hiện trạng khi họ tạo ra những vùng đất có khả năng hỗ trợ các đơn vị đồn trú tại các khu vực rất gần với các điểm mà nước khác kiểm soát ở Trường Sa. Theo dõi tiến độ xây dựng các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Gạc Ma và một số bãi đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hai chuyên gia quốc phòng của IHS Jane’s cảnh báo, lịch sử tranh chấp ở Biển Đông cho thấy nguy cơ Bắc Kinh dùng các điểm này làm bàn đạp để tấn công các mục tiêu của các nước cùng có tranh chấp trong khu vực. Cho đến nay, họ vẫn hung hăng trong các tuyên bố chủ quyền của mình bằng cách sử dụng tàu biển bán quân sự và các biện pháp phong tỏa.