Bán cho ai, phải cân nhắc

ANTĐ - Chính phủ vừa có văn bản cho phép Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn. Thông tin nóng hổi này thổi một “luồng gió” đầy phấn khích vào giới doanh nghiệp. Theo giới chuyên gia, quyết định thoái vốn không chỉ nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN hiện rất ì ạch, mà còn dành thêm nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực bức  thiết trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp.

10 doanh nghiệp nêu trên đều là những công ty lớn, có tiếng như Công ty cổ phần Vinamilk, Công ty cổ phần FPT, Viễn thông FPT, Nhựa Tiền Phong, Bảo Minh... Với trị giá hiện tại, khi thoái vốn, Nhà nước có thể thu về hàng tỷ USD. Chủ trương thoái vốn đã có từ lâu, được bàn bạc, tính toán rất kỹ lưỡng và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Việc Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần, không cần giữ vai trò chi phối trong các doanh nghiệp đang nắm giữ thị phần lớn trong ngành sữa, công nghệ, bảo hiểm, viễn thông... chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và nước ngoài.

Trong bối cảnh Nhà nước đang thiếu vốn để triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, y tế, nông thôn mới… động thái thoái vốn mạnh mẽ này sẽ khơi thông một nguồn vốn lớn để rót vào các lĩnh vực đó. Chẳng hạn, nếu bán hết số vốn Nhà nước tại Vinamilk thì có thể đầu tư chuỗi 6 bệnh viện chất lượng đạt chuẩn khu vực. “Trông giỏ bỏ thóc”, hy vọng số vốn thoái sẽ tạo ra một bước đột phá mạnh mẽ không chỉ  cho lĩnh vực y tế. Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán SJC ví von việc Nhà nước thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn là động thái tất yếu nếu muốn thu hút, hấp dẫn nhà đầu tư. Bởi vì, nếu không bán “miếng thịt” mà chỉ bán những “cục xương”, sẽ không có nhà đầu tư nào quan tâm.

Hầu hết ý kiến của giới chuyên gia cũng như một số doanh nghiệp lớn đều kỳ vọng việc Chính phủ bán toàn bộ vốn, kể cả phần vốn tại những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho chính các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, phải bán cổ phần ra với mức giá hợp lý. Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định, dù Nhà nước cần vốn để đầu tư nhưng không bán cổ phần bằng bất cứ giá nào. Dù bất kể là doanh nghiệp nào, cần tính toán căn cơ xem bán khi nào, bán cho ai để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Đây cũng là vấn đề mà dư luận quan tâm nhất hiện nay. Yêu cầu chung là phải bán cổ phần công khai, minh bạch và rộng rãi, đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước cũng như người dân.

Tin cùng chuyên mục