Bàn cách để sân khấu Thủ đô không "hụt hơi" trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Dù nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng là một bộ phận cốt lõi của công nghiệp văn hóa. Nhưng nhìn vào mặt bằng chung của nghệ thuật sân khấu Thủ đô để thực hiện thành công công nghiệp văn hóa sẽ thấy, nhiều đơn vị nghệ thuật lớn đang loay hoay với "thực đơn" biểu diễn đơn lẻ, sân khấu vắng khán giả, nghệ sĩ phải làm 2-3 việc một lúc kiếm sống...

Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức buổi hội thảo " Sân khấu Thủ đô với công nghiệp văn hóa" với sự tham dự của lãnh đạo các nhà hát, các nhà nghiên cứu, phê bình và đội ngũ tác giả, diễn viên sân khấu.

Phát biểu tại hội thảo, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của khán giả. Thế nhưng, bộ phận cốt lõi của công nghiệp văn hóa là nghệ thuật biểu diễn nói chung và sân khấu Thủ đô nói riêng lại đang tỏ ra hụt hơi, tụt hậu với quá trình này khi mà cả 3 khu vực: khu vực sáng tạo tác phẩm (nghệ sĩ sáng tạo), khu vực sản xuất gồm tác phẩm, đội ngũ nghệ sĩ diễn viên, dàn dựng-công nghệ kỹ thuật và khu vực kinh doanh (tổ chức biểu diễn, marketting, hạch toán chi phí, phát triển thị trường) đều yếu và thiếu.

Và một khi đã yếu và thiếu thì rất khó tạo nên các tác phẩm hay và hấp dẫn khán giả, chưa nói tới việc biến tác phẩm đó thành một sản phẩm văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu khán giả trong nước mà có thể xuất khẩu ra thị trường nghệ thuật quốc tế.

Quang cảnh buổi hội thảo diễn ra vào sáng ngày 19/4 tại Hà Nội

Quang cảnh buổi hội thảo diễn ra vào sáng ngày 19/4 tại Hà Nội

NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ từng chia sẻ về hiện tượng "đói" kịch bản hay: "Mỗi năm chúng tôi nhận được hàng chục, hàng trăm kịch bản nhưng khó tìm được kịch bản mà mình mong muốn. Chúng tôi sẵn sàng trả cao cho những kịch bản hay nhưng hiếm lắm".

Còn NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, số diễn viên nằm trong biên chế, ăn lương ngân sách nhà nước phần lớn đã có tuổi, ít diễn. Đội ngũ chủ lực là các diễn viên trẻ, nhưng phần lớn là hợp đồng thời vụ. Đợt dịch Covid vừa qua, nhà hát đã phải cắt bớt số diễn viên hợp đồng vì không có tiền chi trả. Đến nay, nhà hát đang thiếu hụt lực lượng diễn viên để dàn dựng vở.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá, thời gian vừa qua, các nhà hát chuyên nghiệp, nhiều cá nhân, tổ chức đã nhạy bén vận dụng quy trình sản xuất sản phẩm văn hóa đại chúng để đưa các loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu đến gần hơn với khán giả, đồng thời thu về nhiều giá trị lợi ích cả tinh thần lẫn vật chất, cũng như đa dạng hóa thành phần tham gia. Tốc độ nở rộ, tăng mạnh về số lượng và quy mô hoạt động. Đặc biệt, biểu diễn ca múa nhạc, hài, các chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật quảng trường ứng dụng công nghệ rất hiệu quả.

Nhìn nhận sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn thời gian qua, NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng, có nhiều vấn đề đang bộc lộ: Các sản phẩm văn hóa nghệ thuật chưa phát huy sức mạnh mềm, xứng tầm với sự phát triển của đất nước do hoạt động nhỏ lẻ, sản phẩm đưa ra chưa hòa nhập vào dòng chảy nghệ thuật thương mại toàn cầu, chủ yếu tiêu thụ trong nước. Một số đơn vị đưa sản phẩm ra thế giới như Nhà hát Múa rối Thăng Long, xiếc nhưng cũng chỉ mang tính giới thiệu, hiệu quả kinh tế đa số còn thấp.

Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu, Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, công nghiệp sân khấu là một bộ phận của công nghiệp văn hóa. Công nghiệp sân khấu đang bước đầu phát triển ở Hà Nội, tuy nhiên mới chỉ xuất hiện ở doanh nghiệp, phạm vi nhỏ, chưa có ở các đơn vị biểu diễn công lập; tác phẩm còn cũ kỹ, khó thu hút khán giả. Nguyên nhân là thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành sáng tạo, sản xuất, phân phối, lưu thông sản phẩm nghệ thuật sân khấu; nguồn lực ở các đơn vị công lập còn thiếu và yếu về kỹ năng quản trị nghệ thuật, kinh doanh; cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu; thiếu sự hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến nghệ thuật biểu diễn…

Do vậy, theo Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu, sân khấu Hà Nội phải đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động, trong đó, bên cạnh khâu sáng tạo, các đơn vị nghệ thuật phải làm tốt công tác truyền thông, quảng bá và xây dựng cho mình thương hiệu nghệ thuật, có thể cạnh tranh trên thị trường và gây ấn tượng trong tâm thức khán giả...

Nhà hát Chèo Hà Nội dựng chương trình kết hợp giữa chèo và rối nước "Long Thành diễn xướng"

Nhà hát Chèo Hà Nội dựng chương trình kết hợp giữa chèo và rối nước "Long Thành diễn xướng"


Nói về việc thu hút đầu tư và mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế của sân khấu Thủ đô để đóng góp cho công nghiệp văn hóa, theo tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du, sân khấu Hà Nội nên đẩy mạnh xã hội hóa. Các vở diễn phải được đầu tư về nội dung, công nghệ, đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả hiện nay thì mới “sáng đèn” thường xuyên. Hiện nay, Hà Nội có sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc dàn dựng mỗi năm 6-7 vở bằng kinh phí tư nhân, thực hiện kinh doanh biểu diễn với hàng trăm buổi diễn đều kín rạp. Không những biểu diễn ở Hà Nội mà sân khấu này còn đến thành phố Hồ Chí Minh, lưu diễn nước ngoài…, trở thành thương hiệu sân khấu nổi bật của Thủ đô. Đây là mô hình đáng nhân rộng.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hiếu cho rằng, sân khấu Hà Nội với rất nhiều thế mạnh nhưng trong thời gian qua phải thừa nhận rằng, nó cũng không thoát ra được tình trạng chung của sân khấu cả nước-đó là sự suy thoái. Để sân khấu Hà Nội được làm được các sản phẩm công nghiệp văn hóa thì điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất là tôn trọng chất văn hóa trong sân khấu. Trong khi các loại hình nghệ thuật khác đã áp dụng nhiều phương tiện khoa học, kỹ thuật để tạo ra những tác phẩm phù hợp với thị hiếu, trình độ thì lẽ nào sân khấu không áp dụng.

"Rất may, Hà Nội là một trong những địa phương không thực hiện tổ chức hỗn hợp trung tâm văn hóa tích hợp các loại hình như chèo, kịch nói, cải lượng, kịch nói vào cùng một đơn vị. Phải chăng đây là điều kiện để chúng ta có tiền đề để thực hiện một bước tiến trong chương trình "sân khấu Hà Nội với công nghiệp văn hóa", nhà văn Nguyễn Hiếu nói.

Tại hội thảo, các nghệ sĩ, nhà hoạt động sân khấu cũng chia sẻ và đề ra những giải pháp về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển nhân lực cho từng lĩnh vực sân khấu; ứng dụng công nghệ thông tin; mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế để sân khấu Thủ đô đóng góp hiệu quả cho công nghiệp văn hóa.