“Bài toán” đại học

ANTĐ - Tới nay đã có hàng trăm trường đại học, cao đẳng công bố điểm thi, tuyển sinh năm 2011. Mặc dù các trường nhóm trên dự kiến điểm chuẩn tương đương như năm ngoái, nhưng nhiều trường nhóm dưới lại lo thiếu sinh viên.

Một quan chức Bộ Giáo dục - Đào tạo trấn an các trường khỏi lo không đủ nguồn tuyển vì nhiều thí sinh sẽ vượt điểm sàn của Bộ. Vấn đề là các trường có tạo uy tín để thu hút sinh viên hay không.

Điều mà vị quan chức này lo ngại cũng chính là “bài toán” chưa có hướng giải và còn nhiều ẩn số của ngành giáo dục nước nhà. Có người bảo giáo dục cũng là hàng hóa, dịch vụ. Người có thì bán, người cần thì mua. Quy luật buôn bán là thu lợi nhuận tối đa. Có người nói không phải hàng hóa nhưng lại thấy không ổn nên đành gọi là “hàng hóa đặc biệt”. Tức là đừng coi hoàn toàn như hàng hóa bình thường ngoài chợ và không nên lấy lãi quá nhiều.

Trong một cuộc hội thảo giáo dục tại Việt Nam mới đây, Giáo sư - Giám đốc Trung tâm Giáo dục của trường Đại học Boston (Mỹ) nói: “Giờ đây giáo dục ngày càng được coi là một thứ hàng hóa được khách hàng trả tiền mua hay một sản phẩm được mua và bán giữa các công ty đa quốc gia với các trường đại học đang dần trở thành những doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ giáo dục”. Còn ở nước ta, vấn đề kinh doanh hay không kinh doanh giáo dục; giáo dục là hàng hóa hay không phải hàng hóa, vẫn luẩn quẩn như “gà mắc tóc”. Phải chăng vì người ta sợ đụng phải hai chữ “kinh doanh”, “lợi nhuận”.

Thực ra không phải thế. Vừa qua, kết quả khảo sát của một công ty nước ngoài có uy tín tại Việt Nam, khiến dư luận không khỏi “choáng váng”: Giáo dục đang dẫn đầu danh mục lĩnh vực hấp dẫn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Liên kết là một trong những hoạt động rất sôi động của giới kinh doanh giáo dục, cả công lập lẫn dân lập. Hình thức liên kết này được “ăn chia” theo tỉ lệ trường đại học được hưởng 30%, gọi là phí quản lý và cấp bằng. Cơ sở đào tạo giữ lại 70% và được toàn quyền tổ chức đào tạo, từ mời giảng viên đến tìm địa điểm. Các kiểu kinh doanh đó rất phổ biến, mang về doanh thu rất lớn thường gọi là “nồi cơm” của các trường công lập và “siêu lợi nhuận” của các trường tư thục.

Hiếm có ngành kinh doanh nào chưa nhìn thấy sản phẩm mà đã cầm “tiền tươi” như giáo dục. Bởi vì sinh viên phải đóng học phí từ đầu học kỳ hay khóa học, còn tiền trả cho giảng viên lại vào lúc kết thúc học kỳ, khoản tiền đó chỉ việc gửi ngân hàng cũng mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ, dùng để trả lương cho giảng viên, nhân viên. Trong thực tế, một số trường tư kinh doanh mạnh mẽ, giàu lên trông thấy. Một số trường khác “chiêu hiền đãi sĩ” rầm rộ, rồi về sau “ly tán” dần. Một số trường tồn tại chật vật giữa người muốn làm giáo dục vô tư và người muốn giàu nhanh. Còn các trường công, hàng năm còn có chỉ tiêu tại chức, từ xa có khi còn lớn hơn cả chỉ tiêu chính quy.

Rõ ràng, đang tồn tại thị trường giáo dục nhưng lại không được coi là thị trường để có thái độ dứt khoát như các nước. Đã đến lúc cần phân biệt rạch ròi trường kinh doanh giáo dục và trường không kinh doanh giáo dục. Loại trường bất vụ lợi có kinh doanh rất mạnh để nuôi giáo dục, nuôi và phát triển trường, nhưng không dùng dịch vụ giáo dục làm một thứ hàng hóa để đi buôn. Thái độ của nhà nước cần rõ ràng là ủng hộ mạnh với giáo dục bất vụ lợi, nơi không coi giáo dục là hàng hóa, bằng phân phối ngân sách một phần, song chủ yếu bằng chính sách. “Bài toán” đại học thật khó nhưng đã được nhiều nước tìm ra lời giải. Lợi nhuận kinh doanh giáo dục được bù đắp trở lại để phát triển nhà trường, chi phí cho sinh viên, chứ không phải đổ vào túi tiền nhà đầu tư.