Bài phát biểu đầy ấn tượng của Tổng thống Obama tại Hà Nội

ANTĐ - Trong bài phát biểu trước hơn 2.000 người tại Hà Nội trưa nay 24-5, Tổng thống Obama đã ghi nhận dấu ấn lịch sử, văn hóa và thành tựu phát triển của Việt Nam đồng thời bày tỏ sự lạc quan vào tương lai quan hệ hai nước Việt Nam - Mỹ. Nhiều câu nói ấn tượng của ông đã dành được những tràng vỗ tay tán thưởng dài.

Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Obama bày tỏ sự cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chào đón nồng nhiệt ông. Ông nói: “Sự thân thiện của người Việt đã chạm tới trái tim tôi. Nhiều người đứng bên đường, vẫy chào tôi...”.

Tổng thống Obama đã chia sẻ về những trải nghiệm thú vị trong ngày đầu tiên đến Việt Nam. Ông Obama cũng nhắc tới bữa ăn tối thú vị với món “bún chả và bia Hà Nội”. Ông bày tỏ sự ngạc nhiên khi chứng kiến giao thông tại Hà Nội. 

 Trong bài phát biểu này, Tổng thống Obama đã đề cập đến tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam. Dù đã trải qua những thời điểm khó khăn trong lịch sử nhưng dân tộc Việt Nam vẫn đứng vững. Tổng thống Obama đã bày tỏ ấn tượng trước ý chí độc lập, tự cường của dân tộc Việt Nam.

“Tôi cũng trân trọng quá khứ lịch sử rất huy hoàng của Việt Nam. Hàng nghìn năm người Việt Nam đã trồng cấy ở mảnh đất này. Hà Nội đã đứng bên sông Hồng trên 1.000 năm. Văn Miếu là bằng chứng về tri thức của người Việt. Sau nhiều thế kỷ, vận mệnh của người Việt Nam đã bị nhiều nước can thiệp nhưng như một cây tre, tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt khẳng định: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”.

Việt Nam đạt được nhiều thành công to lớn

“Trong hai thập kỷ gần đây, Việt Nam đã đạt nhiều thành công to lớn. Ngày nay, thế giới đã chứng kiến những thành công này. Việt Nam đã hội nhập với nền kinh tế toàn cầu một cách mạnh mẽ. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến với Việt Nam và Việt Nam đã trở thành một trong những nước có thu nhập trung bình, một nền kinh tế phát triển mạnh.

Chúng ta đã thấy nhiều nhà cao tầng ở Hà Nội và TP.HCM và những  khu đô thị mới, khu thương mại. Việt Nam đã phóng vệ tinh vào vũ trụ và một thế hệ con người mới đã khởi nghiệp.

Người dân Việt Nam cũng đã có những tiếng nói để mang lại sự tiến bộ cho con người Việt Nam, để xóa đói giảm nghèo. Tầng lớp trung lưu đã phát triển mạnh, tỷ lệ tử vong bà mẹ trẻ em giảm nhanh chóng, tỷ lệ tiếp cận nước sạch và điện tăng lên, tỷ lệ trẻ em đến trường và biết chữ rất cao. Đây là một thành công lớn mà Việt Nam đạt được trong một thời gian ngắn”.

Nỗ lực hàn gắn vết thương

“…Quan hệ 2 nước đã thay đổi, chúng ta đã học được những bài học rằng trong đối thoại cần có sự thay đổi. Cuộc chiến tranh đã ngăn chúng ta thành 2 bên, giờ chúng ta tìm cách hàn gắn với nhau, tìm kiếm người mất tích và đưa họ về nhà. Chúng ta đã gỡ bỏ những bãi mìn chưa nổ. Trẻ con không thể nào mất chân vì những bãi mìn này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để đất đai được sử dụng nhiều hơn. Chúng tôi tự hào vì những gì đã làm được ở sân bay Đà Nẵng, và chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ở sân bay Biên Hòa.

Quá trình hòa giải giữa hai nước chúng ta không chỉ liên quan đến cựu chiến binh. Thượng nghị sỹ John McCain là tù binh chiến tranh từng ở Việt Nam đã đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rằng 2 nước chúng ta không nên là kẻ thù và cần làm bạn. Tôi nghĩ rằng tất cả cựu chiến binh người Mỹ và người Việt đã nỗ lực hàn gắn vết thương. Từ nay người biết quê người. Từ nay người biết thương người.

Với vai trò là Tổng thống, tôi muốn tiếp tục những sự tiến bộ này của quan hệ hai nước. Và với quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta đang ngày càng gần gũi hơn, chúng ta đang ngày càng hợp tác. Mục tiêu của tôi trong chuyến thăm này là xây dựng một nền tảng vững chắc hơn nữa cho quan hệ của chúng ta trong nhiều thập niên tới đây”.

Bài học cho cả thế giới

Ông Obama nhấn mạnh rằng, một điều người Mỹ không tưởng tượng được trước đây là ngày hôm nay Việt Nam – Hoa Kỳ đã trở thành bạn bè, đối tác với nhau.

“Tôi mong rằng bài học của chúng ta trong chiến tranh là bài học cho cả thế giới. Có những cuộc xung đột tưởng như không thể kết thúc, thì quan hệ của chúng ta cho thấy chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi, chúng ta sẽ có tương lai tốt đẹp hơn và chúng ta sẽ thể hiện quyết tâm của chúng ta để xây dựng hòa bình. Hòa bình lúc nào cũng tốt đẹp hơn chiến tranh. Những chân giá trị con người cần được thúc đẩy chứ không phải là chiến tranh hay xung đột. Đây là điều mà cả Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ ra cho thế giới thấy”.

Hoa Kỳ quan tâm đến thành công của Việt Nam

Khẳng định ưu tiên cho quan hệ với Việt Nam, Tổng thống Mỹ nói: “Việt Nam là quốc gia, là nước có chủ quyền, độc lập. Không có một quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Chính sự độc lập chủ quyền của Việt Nam do người dân Việt Nam quyết định. Hoa Kỳ rất quan tâm đến thành công của Việt Nam. Tôi muốn nói như vậy vì chúng tôi muốn ưu tiên cho mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam.

Nói về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Obama nêu rõ: “Dù Hoa Kỳ không phải là một bên tranh chấp, tuy nhiên, chúng tôi sẽ sát cánh cùng các đối tác thúc đẩy tự do hàng hải, tự do hàng không, thương mại. Mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua biện pháp hòa bình. Khi chúng ta cùng sát cánh bên nhau, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cử tàu và máy bay tới vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép”.

Dù nhiệm kỳ Tổng thống không còn nhiều, nhưng ông Obama bày tỏ sẽ nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho quan hệ hai nước.

“Chúng ta cần hợp tác với nhau nhiều hơn để tạo ra và đem lại sự thịnh vượng và đem lại cơ hội thực sự cho người dân của chúng ta”, ông Obama nói.

Đưa ra một số lĩnh vực có thể ưu tiên hợp tác như kinh tế, công nghệ, lời phát biểu của ông Obama về nguồn nhân lực và kinh tế tri thức khiến đại biểu tán thưởng bằng tràng vỗ tay dài: “Tôi hiểu những giá trị mới của nền kinh tế toàn cầu của thế kỷ 21. Bên cạnh phát triển kinh tế tri thức, chúng ta phải đầu tư vào nguồn lực con người. Như tôi đã thông báo hôm qua, Đội Hòa bình sẽ đến Việt Nam để dạy tiếng Anh cho người Việt Nam. Như vậy là thế trước đã đến đây chiến tranh, nhưng thế hệ sau của người Mỹ đến đây để đóng góp cho sự phát triển của xã hội Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị với người Việt Nam”.

Đặc biệt nhấn mạnh đến tiềm năng hợp tác thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Tổng thống Obama nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để khai phá hết tiềm năng giữa hai nước, đặc biệt là thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam thực thi được những cam kết của mình. Với tư cách Tổng thống Hoa Kỳ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP vì điều này sẽ giúp cho Việt Nam nhập khẩu được nhiều sản phẩm hàng hóa của Mỹ và giúp Việt Nam không phải phụ thuộc vào thương mại với một quốc gia duy nhất nào mà có thể mở rộng thị trường của mình, trong đó có Hoa Kỳ.

“Nước lớn không được phép bắt nạt nước nhỏ”

“Vì tương lai, chúng ta cũng phải nỗ lực đảm bảo thịnh vượng và an ninh chung. Trong chuyến thăm của tôi, hai bên nhất trí xây dựng lòng tin. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thiết bị, đào tạo cho Cảnh sát biển Việt Nam, nâng cao năng lực bảo vệ hàng hải cũng như cứu trợ nhân đạo trong thảm họa thiên tai.

Tôi đã tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhờ đó Việt Nam sẽ có vũ khí cần thiết để bảo vệ an ninh cho Việt Nam. Điều này thể hiện rõ, Hoa Kỳ mong muốn bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam.

Nói rõ hơn, thế kỷ 21 dạy cho chúng ta, Hoa Kỳ và Việt Nam một trật tự quốc tế mà an ninh chung của chúng ta phụ thuộc lẫn nhau. Tất cả quốc gia đều có chủ quyền và dù lớn hay nhỏ thì chủ quyền cần phải được tôn trọng, toàn vẹn lãnh thổ phải được đảm bảo. Các nước lớn không được phép bắt bắt nạt nước nhỏ hơn. Các tranh chấp phải được giải quyết qua biện pháp hòa bình. Các cơ chế vùng như ASEAN, thượng đỉnh Đông Á cần được củng cố và làm mạnh mẽ hơn. Đây là niềm tin của tôi, niềm tin của Hoa Kỳ. Chúng tôi hướng tới đến một quan hệ đối tác như vậy”.

“Hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây”

Nhìn vào lịch sử, thách thức mà chúng ta vượt qua, tôi lạc quan về tương lai quan hệ hai nước chúng ta. Niềm tin của tôi đã có nền tảng, đó là tình hữu nghị. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “Nối vòng tay lớn”, phải mở tấm lòng của mình ra để thấy được bản chất và trái tim của mình. Các Việt kiều ở Mỹ cũng đã rất thành công như nhà báo, bác sĩ, thẩm phán. Một người đã viết cho tôi một bức thư nói rằng “Tôi đã có thể sống được giấc mơ Mỹ và tôi tự hào đã trở thành một người Mỹ, và tôi cũng tự hào là người Việt Nam”.

Hôm nay người đó cũng có mặt ở đây. Người đó đã có mặt ở đây, đã sống ở Việt Nam, nơi ông được sinh ra và ông nói rằng mong muốn lớn nhất của ông là được hỗ trợ cải thiện đời sống của người Việt Nam. Nhiều thế hệ trong số các bạn ở đây đã sẵn sàng để tạo ra những dấu ấn trên thế giới. Tài năng của các bạn, mong muốn của các bạn đó là những điều Việt Nam cần để phát triển.

Tương lai nằm trong tay các bạn. Và đây thực sự là khoảnh khắc của các bạn để các bạn theo đuổi xây dựng một thế giới mà các bạn mong muốn. Sau này khi người Mỹ, Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau thì các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn như Nguyễn Du đã nói: Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.