BAO GIỜ HÀ NỘI HẾT CẢNH CHÔN LẤP RÁC THẢI, NGƯỜI DÂN VƠI NỖI LO ÙN Ứ RÁC:

Bài II: Nhà máy điện rác Sóc Sơn “chậm tới, chậm lui” vẫn chưa thể vận hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô đến năm 2030 có nhiều nhà máy xử lý rác hiện đại, nhưng đến nay duy nhất một nhà máy điện rác vẫn chưa thể hoàn thành. Thành phố vẫn "mắc kẹt" trong nỗi lo về xử lý rác thải kéo dài.

Dự án nào cũng chậm

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có xử lý chất thải sinh hoạt. Nhưng đến nay, dù đã cuối năm 2021 nhưng duy nhất Nhà máy xử lý điện rác Sóc Sơn do Công ty CP năng lượng môi trườngThiên Ý đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành.

Theo đó, một số dự án xử lý rác thải như dự án đầu tư Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh do Công ty CP Xây dựng Công nghiệp và Thương mại Thành Quang (nay là Công ty CP Đầu tư Thành Quang) được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tháng 11/2011 nhưng đến nay chưa hoạt động.

Sau đó, UBND TP Hà Nội chấp thuận điều chỉnh 3 lần vào các năm 2013, 2015, 2016. Dự án này sử dụng khoảng 8,74 ha đất, công suất xử lý chất thải 500 tấn/ngày bằng phương pháp đốt rác, tổng mức đầu tư gần 770 tỷ đồng.

Nguyên nhân chậm tiến độ, theo Kết luận Thanh tra Sở KH-ĐT Hà Nội, chủ yếu là nhà đầu tư chưa lường hết được các khó khăn dẫn đến dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến; các sở, ngành liên quan chưa phối hợp tốt trong kiểm tra, giám sát dự án, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn hiện vẫn khá ngồn ngang

Nhà máy điện rác Sóc Sơn hiện vẫn khá ngồn ngang

Các dự án khác cũng bị chậm như dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn; Dự án Khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, do Cty TNHH Indovin Power là chủ đầu tư, còn chưa triển khai bất cứ thủ tục nào. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang làm thủ tục thu hồi dự án này…

Đối với Nhà máy điện rác Sóc Sơn (Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý làm chủ đầu tư- lớn nhất Việt Nam nằm trong bãi rác Nam Sơn) vẫn chưa thể hoạt động.

Dự án này được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ năm 2017, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, được đánh giá là dự án điện rác có quy mô lớn hàng đầu thế giới; công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm và dự kiến công suất phát điện khoảng 75 MW điện/giờ.

Chủ đầu tư là Tập đoàn Thiên Ý cho biết sẽ đưa vào vận hành lò đốt rác số 1 vào tháng 1/2022

Chủ đầu tư là Tập đoàn Thiên Ý cho biết sẽ đưa vào vận hành lò đốt rác số 1 vào tháng 1/2022

Khi đi hoạt động, nhà máy dự kiến sẽ xử lý hơn 2/3 số rác của toàn TP Hà Nội. Theo cam kết cuối năm 2019 với lãnh đạo Hà Nội, nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 8/2020, chính thức vận hành vào tháng 10/2020.

Đầu 2022, nhà máy đốt rác Sóc Sơn mới có thể vận hành

Ông Li Ai Jun, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên ý cho hay, do dự án khởi công và xây dựng vào giai đoạn 2 năm (2020-2021) dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong khi nhiều máy móc phải nhập khẩu từ châu Âu và châu Mỹ nên bị chậm trễ.

“Nhà máy của chúng tôi khởi công vào tháng 9/2019, theo hợp đồng ký với TP Hà Nội dự án sẽ triển khai thi công trong 21 tháng, đến nay so với tiến độ chậm 5 tháng”- ông Li Ai Jun cho hay.

Chưa kể, trong quá trình triển khai dự án còn gặp khó khăn về thủ tục pháp lý. Điển hình như, dự án đã bước vào giai đoạn đóng điện nhưng đang phải bổ sung quy hoạch điện. Hiện, đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung thì mới có thể nộp hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý tiếp theo mới có thể đóng điện.

Theo ông Li Ai Jun, dự kiến, lò 1 của nhà máy sẽ vận hành vào tháng 1/2022 với công suất khoảng 800 tấn rác/ngày; cuối tháng 2/2022 sẽ vận hành đốt rác lò 2 và trong quý 1-2022 sẽ vận hành tất cả 5 lò đốt rác đạt công suất 4.000 tấn rác/ngày. Dự kiến, từ quý 2-2022, nhà máy sẽ vận hành ổn định.

“Nhà máy của chúng tôi bị chậm hoàn toàn do nguyên nhân khách quan, không hề có sự chủ quan từ phía Tập đoàn. Vì chúng tôi là Tập đoàn lớn, có kinh nghiệm về lĩnh vực này, lại có năng lực về tài chính với tinh thần làm việc trách nhiệm cao cũng rất muốn đưa nhà máy vào vận hành càng sớm càng tốt”- ôn Li Ai Jun khẳng định.

Về phần xử lý nước rỉ rác, khâu được cho là khó khăn trong công tác xử lý rác thải, ông Li Ai Jun cho hay, toàn bộ nước rỉ rác sau khi được xử lý xong sẽ đưa ngược trở lại nhà máy để sử dụng mà không thải ra môi trường. Lượng nước thải ra môi trường chỉ là nước làm mát công nghiệp. Theo tính toán của phía Tập đoàn Thiên Ý, với công suất 4.000 tấn rác/ngày thì nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ cần khoảng 16-22 năm để thu hồi vốn đầu tư...