Bài học xương máu

ANTĐ - Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm - Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội: trên địa bàn phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, hiện còn 8 căn nhà gỗ cũ nát (trừ căn vừa xảy cháy hôm 27-8), xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước. 

Trước vụ cháy này, cuối năm 2005, ngọn lửa cũng bùng lên tại khu nhà gỗ trên phố Hàm Tử Quan, làm 40 căn nhà bị thiêu rụi. Tháng 8-2007, lửa tiếp tục bao vây một ngôi nhà gỗ khác, khiến hàng chục người dân phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Cháy nhà gỗ vì thế đã trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi của mọi cư dân sinh sống quanh đây, khiến tất thảy mọi người, từ già trẻ, gái trai đều phải học cách phòng ngừa. Sau vụ cháy nhà gỗ năm 2007, các hộ gia đình bỏ dần thói quen thắp nến khi mất điện, thay vào đó là đèn sạc. Người dân  tự “quy định” với nhau, có lộ trình chuyển từ đun than tổ ong sang bếp gas, bếp điện. 

Tuy nhiên, đợt kiểm tra an toàn PCCC của lực lượng chức năng tháng 5-2012 vừa qua cho thấy, tất cả các khu nhà gỗ trên địa bàn phường Chương Dương, đều vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn PCCC. Có những lỗi đã trở nên muôn thuở như: đun bếp than trên sàn nhà gỗ, đấu nối dây điện không đảm bảo an toàn, hay “nặng” là bịt cầu thang thoát nạn. “Các lỗi vi phạm này đều được lực lượng PCCC kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản nhiều lần” - một cán bộ Cảnh sát PCCC cho biết. Đề cập đến các vi phạm PCCC, bà Phạm Thị Đạm Nga - cư dân sống ở nhà gỗ B7 “tố” thêm: “Tôi ở khu nhà gỗ này từ năm 1967, khi đó, giữa 2 khu nhà gỗ C8 và B7 có tuyến đường nội bộ khá rộng, trồng cây xanh, đặt bể nước chữa cháy”. Lâu dần, tuyến đường bị dân “xẻ thịt”, xây nhà san sát. 

Không có khoảng cách ngăn cháy, được xác định là nguyên nhân khiến 17 nhà dân “dựa lưng” vào khu nhà gỗ C8 bị tác động nhiệt, gây cháy lan. Chỉ ít phút sau khi hỏa hoạn xảy ra, tường các nhà dân nhanh chóng bị bong tróc, nứt vỡ, nhiều tài sản bị thiêu rụi chóng vánh. Lấn chiếm khoảng không ngăn cháy để xây nhà, đua “chuồng cọp”, dây điện chằng chịt… khiến việc chữa cháy hôm đó gặp rất nhiều khó khăn. “Diện tích cháy rộng trên 500m2, nhiều điểm cháy cùng lúc phát sinh trong nhà dân nhưng cả khu phố không có nổi trụ nước cấp nước chữa cháy” - Thượng tá Trần Văn Vụ - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm nói. Xung quanh 9 khu nhà gỗ có 1 bể nước ăn của dân, nhưng xe chữa cháy lại không thể tiếp cận lấy nước do đường quá hẹp. “Chúng tôi phải điều xe về phố Cổ Tân tiếp nước đảm bảo công tác chữa cháy” - chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm cho hay.

Lại thêm một “bài học xương máu” sau vụ cháy, cho thấy mọi phương án phòng ngừa hỏa hoạn, chữa cháy ở đây lâu nay đều là giải pháp tình thế. Để ngăn những nguy cơ tương tự, biện pháp duy nhất là di dời các hộ dân khỏi khu vực này - đại diện cơ quan PCCC khẳng định.

Tin cùng chuyên mục