Bài học về sự bền bỉ, bao dung trong tình yêu

ANTĐ - Anh rể đứng dậy, đi vào phòng của chị, khi ra cười lỏn lẻn: “Vào xem mẹ con Tún ngủ thế nào”. Tôi cảm nhận được anh đang là một người đàn ông hạnh phúc.

Tôi và anh rể ngồi nói chuyện với nhau cả đêm trên chiếc ghế sofa đặt chính giữa phòng khách. Tách cà phê thơm lừng của anh và vị Earl Grey ngai ngái, nồng nồng dễ chịu của ly trà tôi đang cầm trên tay xoắn quyện tạo thành một hương vị bình yên, nhẹ nhõm rơi vào giữa thinh không. Sự bình yên hiếm hoi tôi cảm nhận được sau những ngày bão tố vừa lướt qua trong đời…

Anh rể đứng dậy, đi vào phòng của chị, khi ra cười lỏn lẻn: “Vào xem mẹ con Tún ngủ thế nào”. Tôi cảm nhận được anh đang là một người đàn ông hạnh phúc. Hạnh phúc của anh giản dị lắm, có khi chỉ là khi nghe được tiếng thở đều đều, nhẹ nhàng, không lo toan của vợ. Là ngửi mùi mồ hôi chua lòm bết bát từ mái tóc tơ đen nhánh của cô con gái. Hạnh phúc được chắt ra từ những điều bình dị. Nhưng, con đường đi tới hạnh phúc của anh rể tôi không hề đơn giản chút nào. Hay đúng hơn, anh và chị đã trải qua không ít sóng gió để đến với nhau. Nhưng, đi qua sóng gió mới biết quý trọng, nâng niu và cảm nhận trọn vẹn hạnh phúc đang có trong tay.

12 năm trước, anh rể và chị gái tôi quen nhau. Khi đó, anh là sinh viên đại học năm thứ ba, còn chị là cô gái mới chân ướt chân ráo xuống Thủ đô được vỏn vẹn gần 1 năm. Anh và chị cùng ở trong một khu xóm trọ sinh viên lắt léo tận Cổ Nhuế. Thời ấy, cứ mỗi dịp hè về, tôi được bố mẹ cho xuống ở cùng chị, chẳng mấy khi có cơ hội xuống Thủ đô chơi, vừa để "thâm nhập" (chữ của mẹ) cuộc sống sinh viên, tạo đà phấn đấu sau này, dù khi đó tôi mới là thằng nhóc tồ tẹt học cấp hai. Chị vốn là một cô gái vô cùng xinh đẹp, nức tiếng khắp trường phổ thông huyện bởi sự giỏi giang, thông minh và nhan sắc. Nhưng, hồi ấy chị chẳng mảy may thích ai, toàn tâm toàn ý cho con đường đại học. Tới khi đỗ đại học rồi, các anh trồng cây si ngày xưa tiếp tục tấn công dồn dập, nhưng chị vẫn khép chặt trái tim. Chị bảo, cái duyên chưa tới.

Vậy mà, chẳng hiểu sao, giữa vô số lựa chọn ấy, thậm chí có nhiều lựa chọn tốt, đảm bảo cho cuộc sống của chị sau này, chị lại chọn anh rể - một người con đất mỏ xa xôi, gia đình nghèo khó. Sau này, chị có bảo với tôi, có lẽ vì thương cái dáng hiền lành, cục mịch của anh, vì thương bộ quần áo anh mặc trên người sờn cũ, bạc màu, cổ áo đã phải lót đệm một miếng vải nhỏ để che đi vết rách... mà chị xiêu lòng. Ở cùng khu xóm trọ với anh từ năm nhất, nhưng tới tận năm thứ ba đại học, chị mới nhận lời yêu của anh trong sự ngẩn ngơ, tiếc nuối của không ít chàng trai có thân thế tốt.

Thi thoảng, những người bạn đại học về nhà chị chơi, trong số đó luôn có anh. Đám bạn trêu chọc nhau, cố ý để lộ mối quan hệ của chị và anh cho bố mẹ biết. Mẹ hiền, chỉ cười xoà, còn bố vốn là một người khó tính, ông để ý kỹ càng, dõi theo mọi hành động của cậu trai được bạn bè tụng xưng là “con rể” dù chưa thấy hai nhân vật chính lên tiếng.

 

Ảnh minh hoạ.

Nhiều lần bố nhờ tôi làm mật thám, thăm dò tin tức về bạn trai của chị. Sự lo lắng, căng thẳng trong ông tăng dần khi biết lý lịch không mấy đẹp đẽ của anh. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo ở Quảng Ninh. Bố mẹ anh chia tay khi anh học lớp 6. Sống với mẹ và anh trai trong bộn bề gian khó, anh là người giàu nghị lực và biết vươn lên trong cuộc sống. Nghị lực lớn lao của anh kể từ khi gia đình đổ vỡ không đủ là tấm hộ chiếu chắc chắn đưa anh đến gần gia đình tôi. Bố không thích anh.

Lý do thật khắt khe: "Bố nó là người đàn ông không có trách nhiệm, bỏ mặc, quay lưng với gia đình, chắc chắn nó cũng mang theo cái gen ấy trong người. Chưa kể, nhà nó nghèo, con sẽ không chịu đựng được". Cũng phải, sự lo lắng của bố là có cơ sở. Bởi, xưa nay, chị tôi được coi là tiểu thư cành vàng lá ngọc. Nếu học, chị được coi là hạt giống vàng, thì chuyện bếp núc lại là thảm họa. Bố bảo, giữa chị và anh chẳng có một chút nào "liên quan" và gắn kết để có thể tiến tới xa hơn một tình bạn. Khoảng cách địa lý, khoảng cách gia thế quá xa xôi...

Sự phản đối bùng lên dữ dội khi chị chính thức đưa anh về ra mắt. Lần đầu tiên trong đời, chị thấy bố giận dữ, thẳng băng từ chối sự gần gũi, gắn bó của anh với gia đình. Đó cũng là lần đầu tiên chị phải khóc trong nỗi ấm ức, khó hiểu. Chị xuống trường, những ngày ôn thi tốt nghiệp cuối cùng, chị nhận được một lá thư bố gửi.

Những dòng thư chan đầy nước mắt: "Con gái yêu của bố! Bố biết rằng rồi một ngày con gái của bố sẽ trưởng thành, đủ lớn và bay khỏi vòng tay của bố. Bố từng run rẩy mừng vui và cũng phập phồng sợ hãi. Vui vì con đã lớn khôn, lo vì phía trước con là cả một bầu trời rộng lớn. Con yêu! Từ trước tới nay, con luôn là người hiểu bố và được bố thương yêu nhiều nhất và bố tin, bố cũng có vị trí ấy trong trái tim con. Bố tôn trọng, cổ vũ mọi quyết định của con một cách vô điều kiện. Bởi trong bố, niềm tin về con gái là vĩnh cửu. Cho tới hôm con dẫn cậu bạn ấy về ra mắt. Thú thật bố đã sợ hãi. Sợ hãi bố sẽ mất con. Và sợ hãi hơn cả là chứng kiến con đi về phía không hạnh phúc...". Chị tôi đã khóc nấc giữa thư viện khi nhận được bức thư đó. Sau này, chị kể, chị đã cất lá thư vào trong ví, và việc đầu tiên khi trở về phòng trọ là gọi điện hẹn gặp anh. Không một lời giải thích, chị đề nghị chia tay.

Chị chuyển nhà trọ, đổi số điện thoại, chặn mọi sự thăm gặp, tìm hiểu, dò la từ phía anh. Tôi biết, đó là những tháng ngày đau khổ nhất cuộc đời chị. Không cãi lời bố, bởi với chị, bố là người chị đặc biệt tôn thờ. Gia đình tôi đinh ninh chị và anh thực sự chấm dứt khi anh chuyển công tác về Quảng Ninh quê hương anh. 5 năm sau đó, thông tin về anh trở nên nhòe mờ và rất hạn chế.

Môi trường làm việc tạo điều kiện cho chị mở rộng các mối quan hệ. Bạn bè, đối tác làm ăn, công việc và không ít người đàn ông muốn chị trở thành người bạn đời của họ. Sự hiền lành, nết na, cùng vẻ ngoài xinh đẹp trở thành vũ khí lợi hại của chị, thế nhưng, quá khó để ai đó rủ chị bước chân khỏi cửa mỗi tối thứ bảy. Chị ít giao thiệp ngoài các mối quan hệ công việc, bạn bè. Chị từ chối yêu đương với cả những người theo đuổi chị suốt 6, 7 năm trời.

Còn về phía anh, trở thành kỹ sư xây dựng ở Sở, một công việc tốt, quan hệ quảng giao, nhưng kỳ lạ, anh chẳng tiến tới yêu đương, tìm hiểu bất cứ người con gái nào. Thi thoảng, anh gọi điện cho tôi. Những lần đó tôi phải trốn biệt vào chiếc tủ quần áo, hoặc chạy lên sân thượng trò chuyện với anh. Tôi sợ bố bắt gặp. Anh vẫn hỏi thăm về chị. Vẫn là những câu hỏi cũ, nhưng lần nào anh hỏi, tôi cũng thấy một giọng lo âu, phiền muộn. Tôi bảo anh cứ xông lên, quả cảm như chiến binh thời La Mã. Anh cười xoà, bảo tôi ngốc lắm, còn nhỏ chưa hiểu được chuyện người lớn.

Đôi ba lần tôi nói với chị, rằng cứ kệ bố, hạnh phúc là của chị cần phải nắm lấy. Mỗi lần đó, mắt chị lại sũng nước. Về sau tôi chừa, không dám ho he động tới kí ức buồn của chị.

 

Ảnh minh hoạ.

Biến cố ập tới gia đình tôi kể từ khi tôi bước chân vào đại học. Cám dỗ của cuộc sống mới xa nhà dẫn tôi vào hố đen sai lầm. Cờ bạc đỏ đen, lô đề... chẳng có một thứ vui gì tôi không biết đến. Cũng chính vì thế, nợ nần chồng chất có nguy cơ đè bẹp tương lai của cậu sinh viên ham chơi. Chị thay bố mẹ nuôi tôi ăn học, không còn đường nào khác, tôi quay về thú tội với chị. Chị buồn rượi, khóc rất nhiều.

Chúng tôi sợ bố mẹ thất vọng, lo lắng nên đã âm thầm tự xoá dấu vết bằng cách trả nợ đắp vào các khoản lỗ. Toàn bộ số tiền tích cóp chị dành dụm mấy năm dồn cả cho tôi trả nợ không đủ. Trong cơn tuyệt vọng ấy, người yêu cũ của chị xuất hiện. Cả đêm ấy, tôi và anh ngồi bên chai rượu nhỏ ở góc phố cũ. Lần đầu tiên tôi khóc trước những lời thấu tình đạt lý của anh. Anh bảo, anh và chị che giấu tội lỗi cho tôi, vì lo lắng cho bố mẹ, chứ không phải sợ tôi ê mặt trước bạn bè. Đàn ông là có gan làm thì phải có gan chịu. Sau lần ấy, anh lại rời khỏi cuộc sống của chị giống như 6 năm bặt tin trước đó, lặng lẽ như một con sông trôi vào biển cả.

Bố bị ngã và dẫn tới tai biến vì trúng cơn gió độc trong lần đi vệ sinh giữa đêm khuya. Cả gia đình tôi như đổ gục trước biến cố ấy. Người đàn ông vốn thường nhanh nhẹn, hoạt bát, dí dỏm, hài hước giờ nằm bất động trên giường, đôi mắt mở to trong vô thức, lưỡi cứng đơ không nói được dù có thể trong thâm tâm, ông có bao điều nhắn nhủ. Anh chuyển công tác lên Hà Nội, mặc dù Quảng Ninh mới là mảnh đất thuận lợi nhất để phát triển nghề nghiệp. Anh từ bỏ vị trí trưởng phòng sau nhiều năm phấn đấu để lên Hà Nội làm việc, cốt gần chị hơn một chút và chăm sóc bố thuận tiện hơn một chút. Anh như sóng, lặng lẽ, âm thầm gõ cửa gia đình tôi. Anh không ngại khổ, thay rửa vệ sinh cho bố mỗi ngày, đút cho bố ăn mỗi bữa, dìu ông tập đi mỗi chiều, khiến ai nấy ở viện đều lầm tưởng anh là con trai của bố. Có lần, tôi nhìn thấy từ khoé mắt gầy guộc của ông rỉ ra dòng nước mắt, miệng ông ú ớ định nói gì đó với anh, nhưng không thể.

Suốt nửa năm trời bền bỉ như thế, anh lấy lại sức khoẻ cho bố. Ngày bố đi lại được và bắt đầu nói được những câu đơn giản, anh lại lặng lẽ rời khỏi gia đình tôi. Chị ngậm ngùi lén lau nước mắt.

Bố hỏi tôi số điện thoại của anh. Không biết họ trao đổi gì đó, tối hôm đó, tôi thấy bố ngồi trên xe lăn bên cửa sổ, mãi không chịu đi ngủ. Sau này, tôi mới biết, bố gọi điện để cảm ơn và xin lỗi anh, vì sự khắt khe của ông đã khiến đôi trẻ phải chia lìa suốt 5-6 năm trời.

Anh chị tôi giờ đã có một bé gái 3 tuổi. 4 năm chung sống nhưng có tới 12 năm yêu thương, tình yêu của họ vẫn ngọt ngào, ấm áp như những ngày đầu. Chị học nấu ăn và trở thành một đầu bếp rất cừ, có thể tự tay chăm sóc người đàn ông của mình bằng những bữa cơm thơm lành, ngon ngọt. Hạnh phúc của anh chị đi qua không ít rào cản, sóng gió, nhưng cuối cùng họ đã mở được cánh cửa thiên đường. Và ít nhiều, câu chuyện tình yêu bền bỉ của anh trong đêm khuya phần nào giúp tôi nhẹ nhõm hơn sau khi mối tình đầu tan vỡ. Hạnh phúc sẽ mỉm cười với những ai đủ dũng cảm đương đầu với chông gai và sẵn sàng đón nhận nó bằng một trái tim nhiệt huyết, thánh thiện.