Bài học nào từ thảm họa sập cầu treo tại Lai Châu?

ANTĐ -8 người chết, 38 người bị thương nặng trong vụ tai nạn sập cầu treo kinh hoàng tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu khó có lời nào diễn đạt chính xác hơn ngoài 2 từ thảm họa. 

Cho dù là vì nguyên nhân gì đi nữa thì đây cũng là một thảm kịch quá đau lòng. Đáng đau lòng hơn, thảm họa này không đến từ thiên nhiên. Phải chăng cần có biện pháp tuyên truyền một cách "bình dân nhất" để trang bị cho người dân kiến thức ngắn gọn, dễ hiểu khi đi qua những cây cầu dân sinh.

Có mặt tại bản Chu Va 8 sau những ngày đen tối, không khí tang thương vẫn cào bao trùm khắp bản. Những ánh mắt thẫn thờ, những dáng đi siêu vẹo. Có lẽ, sự việc trên sẽ mãi ám ảnh với những ai tham gia đưa tang ngày hôm đó. Sự việc xảy ra quá nhanh… tiếp đến là một cảnh tượng quá đau lòng. Người thì chết, kẻ mang thương tật suốt đời… Sau khi đoàn người rơi xuống suối, người ta chỉ nghe thấy tiếng gào thét hoảng loạn. Máu và nước mắt hòa lẫn với nước suối tạo nên “màu tang thương”. 

Vẫn còn hàng trăm cây cầu treo bắc qua sông suối ở khắp nơi mà nếu không có sự cố bản Chu Va, lâu nay chúng ta chẳng hề đề cập đến độ an toàn của nó.

Trong chuyến thị sát hiện trường vụ sập cầu treo vào sáng 25-2, nhìn cây cầu, điều đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng lưu ý với địa phương: Biển báo thông tin về cây cầu quá nhỏ và đặt quá cao. Điều này khiến đồng bào thiếu thông tin cần thiết về cây cầu.

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới với hơn 20 dân tộc. Trình độ nhận thức hạn chế. Vì vậy, với việc đặt biển báo mà không có sự giải thích rõ ràng thì có lẽ cái biển chỉ là cái biển mà thôi. Bởi vì cây cầu qua suối hàng ngày họ vẫn đi mà chắc chẳng ai để ý xem ký hiệu "1,5 tấn" là để chỉ tải trọng cho phép của cây cầu.

Khi chúng tôi hỏi chị Vàng Thị Di - cgười dân bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, có hiểu gì về cái biển báo đề trên khung cầu hay không? Chẳng cần phải suy nghĩ chị nói: “Từ trước đến nay chúng tôi không để ý đến nội dung ghi trên biển báo. Vì dân không để ý nên mới bị như thế. Ngay đến tôi còn chẳng hiểu nữa là. Nếu biết thì tôi đã nhắc nhở con cháu cẩn thận thì có lẽ sẽ không bị như thế đâu”.

Còn với anh Vàng A Kỷ - bản Chu Va 8, xã Sơn Bình: “Nhìn cái cầu này chắc chắn thế thì chắc là không sập được đâu nên cứ đi thôi. Người dân không nghĩ là nó sập cầu thế này”.

Thực tế là vậy, tuy nhiên trong số họ đã có một số người là lãnh đạo UBND xã đã ý thức được sự nguy hiểm khi cùng lúc để nhiều người đi qua cầu. Vì vậy, họ cũng có sự đề phòng khi chia đoàn đưa tang thành 3 tốp lần lượt đi qua cầu. Tuy nhiên, họ lại không tính được vài chục người đi một cây cầu như vậy là quá tải trọng; chưa kể trọng lực tác động từ cộng hưởng bước chân của gần 50 người.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vàng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “Khi đưa đám tang của đồng chí Phó chủ tịch HĐND xã đến khu vực cầu, chúng tôi cũng đã can ngăn không cho nhiều người đi qua cầu cùng một lúc; tuy nhiên một số người không nghe nên vẫn đi”.

Vẫn còn hàng trăm cây cầu treo bắc qua sông suối ở khắp nơi mà nếu không có sự cố bản Chu Va, lâu nay chúng ta chẳng hề đề cập đến độ an toàn của nó. Việc làm cầu khánh thành xong là xong, ít ai để ý đến tuyên truyền nhắc nhở cho người dân trong thôn, trong bản "đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng". Cũng không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên về chất lượng, độ bền và hạn sử dụng. Ngay trong sự cố ở bản Chu Va, nếu chính quyền địa phương được "tập huấn" kỹ về việc đảm bảo an toàn khi qua cầu, họ sẽ phải hướng dẫn người dân hoặc ngăn cản một đoàn đưa tang cùng lúc rầm rập mấy chục người cùng bước.

Ông Hoàng Thọ Trung - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện Tam Đường có hơn 30 cầu treo, hầu hết đều thuộc loại nhỏ như cầu Chu Va 6. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con trong việc tham gia giao thông nói chung và các biển báo hiệu giao thông nói riêng”.

Chẳng ai mong xảy ra một vụ việc đau đớn như vậy. Nhưng phải coi sự việc đau lòng này như tiếng chuông báo động về những tai họa tương tự đang tiềm ẩn. 

Trong ký ức của những người dân bản Chu Va, còn lâu giây phút kinh hoàng ấy mới quên được. Sau lần này, rồi cây cầu sẽ được làm lại, đảm bảo chắc chắn hơn, an toàn hơn. Hy vọng rằng trong cuộc sống vốn đã quá nhiều bất trắc từ biến đổi khí hậu, từ những hiểm họa thời hiện đại sẽ bớt đi những tai họa do lỗi của sự lơ là, chủ quan.