Bài học chống dịch từ châu Âu: Một mình vaccine không ngăn cản được Covid-19!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các nước châu Âu đã hy vọng rằng tiêm vaccine là đường tắt để thoát khỏi đại dịch Covid-19 nhưng làn sóng lây nhiễm mới trong mùa đông 2021 này đã đảo ngược kết quả phòng chống dịch ở một loạt quốc gia. Bài học rút ra là, chỉ tiêm thôi không đủ và chớ nên tự mãn!
Châu Âu là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới nhưng đang là tâm điểm của đại dịch toàn cầu

Châu Âu là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới nhưng đang là tâm điểm của đại dịch toàn cầu

Tỷ lệ tiêm chủng cao chưa phải tất cả

Ireland đã đưa ra lệnh giới nghiêm nửa đêm đối với ngành khách sạn vào đầu tuần này trong bối cảnh số ca mắc bệnh tăng vọt, mặc dù họ có một trong những tỷ lệ tiêm chủng tốt nhất châu Âu. Ở Bồ Đào Nha, nơi 87% tổng dân số được tiêm chủng - chính phủ đang cân nhắc các biện pháp mới khi tình trạng nhiễm mới tăng dần lên. Trong khi đó, nước Anh đã phải chịu đựng một làn sóng lây nhiễm kéo dài và dai dẳng mặc dù Thủ tướng Boris Johnson tích cực vận động tiêm chủng. Áo cũng trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên tái áp dụng phong tỏa hoàn toàn để chống dịch từ ngày 22-11.

Tất cả điều này đang diễn ra mặc dù có một thực tế vẫn đúng: vaccine đang hoạt động tốt. Khi các quốc gia châu Âu đang phát hiện ra rằng ngay cả tỷ lệ tiêm chủng tương đối mạnh cũng không đủ để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 thì bài học rút ra là: Tự mãn rất nguy hiểm.

“Chúng ta đều biết rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn rất nhiều. Đồng thời, đã có những thay đổi trong xã hội và hành vi... Ở nhiều quốc gia, một số biện pháp phòng ngừa đang được tuân thủ ít nghiêm ngặt hơn. Nói một cách đơn giản, khi nói đến các biện pháp nhằm ngừng lây nhiễm, ngay cả một tỷ lệ tiêm chủng rất tốt không phải đã đủ”, ông Charles Bangham, giáo sư miễn dịch học và đồng Giám đốc Viện Nhiễm trùng của Đại học Hoàng gia London nhận định.

Ông Sam McConkey, Đại học Y khoa và sức khỏe RCSI ở Dublin, Ireland phân tích: “Những gì chúng tôi có hiện giờ là một đại dịch của những người chưa được tiêm chủng. Cụ thể, hầu hết trẻ em, chiếm 10% dân số Ireland đều chưa được tiêm chủng. Cùng với đó, những người già và dễ bị tổn thương vẫn có thể mắc và những người khỏe mạnh, không có triệu chứng đang mắc và truyền virus. Sự kết hợp của 4-5 yếu tố đó khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng căng thẳng”.

Theo các chuyên gia, sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng 70% và 80% là rất lớn, bởi vì mỗi phần trăm tăng thêm sẽ cô lập thêm virus và giảm bớt áp lực cho các bệnh viện. Nhưng ông McConkey nói rằng với khả năng lây truyền của biến thể Delta hiện tại, không quốc gia nào có thể thực sự coi mình là “có tỷ lệ tiêm chủng cao”. Ông lập luận rằng, cho đến khi 90% dân số trở lên đã tiêm chủng đầy đủ thì những người còn lại chưa tiêm vẫn sẽ thúc đẩy lan truyền virus.

Cách tiếp cận “chậm mà chắc”

Các nước châu Âu tiêm vaccine rất nhanh ngay từ đầu, sau đó đại dịch đi chậm lại rất nhiều. Nhưng trong bối cảnh hiệu quả bảo vệ của vaccine dần mất đi theo thời gian, làn sóng lây nhiễm gia tăng trở lại là điều dễ hiểu. Bất kể tỷ lệ tiêm chủng của một quốc gia có ấn tượng đến đâu, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh rằng chỉ riêng vaccine không thể ngăn chặn được dịch bệnh của một quốc gia.

Bên cạnh đó, mỗi nước có các biện pháp hạn chế dịch khác nhau nên kết quả khác nhau. Đơn cử, ở Ireland, thực khách chen chúc trong các nhà hàng đông đúc, còn tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, với tỷ lệ tiêm chủng lần lượt là 80% và 87% trên tổng dân số, người dân luôn ý thức đeo khẩu trang và giãn cách kể cả trong nhà nên cho đến nay, nên ít nhất họ đã tránh được điều tồi tệ nhất của làn sóng dịch hiện tại.

Tầm quan trọng của việc tuân theo các biện pháp phòng dịch Covid-19 được cảm nhận rõ ràng hơn ở các quốc gia mà việc triển khai tiêm chủng bị đình trệ. Ở Đức, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất Tây Âu, một số chuyên gia đổ lỗi cho sự thay đổi trong nhận thức của công chúng. “Một trong những yếu tố chính là mọi người thực sự mệt mỏi vì đại dịch. Các chính trị gia đang tập trung vào những thứ khác trong kỳ bầu cử vừa qua và có vẻ như nhiều người nhận không coi trọng việc xử lý đại dịch nữa”, ông Ralf Reintjes - Giáo sư dịch tễ học và giám sát sức khỏe cộng đồng tại Đại học Khoa học Ứng dụng Hamburg ở Đức nhận xét.

Hôm 18-11, Đức ghi nhận hơn 65.000 ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày và Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel gọi tình hình gia tăng “kịch tính”. Giới chuyên gia cho rằng, trong một thời gian ngắn không thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng có thể ngăn chặn làn sóng này. Thay vào đó, việc tuân theo các biện pháp hạn chế, giảm thiểu xã hội hóa có thể tạo ra sự khác biệt ngay lập tức. Ông Reintjes cho biết: “Mùa thu-đông là mùa tốt nhất để virus lan truyền. Mọi người hãy ở trong nhà, điều đó đóng một vai trò quan trọng”.

Khi các quốc gia châu Âu đang phát hiện ra rằng ngay cả tỷ lệ tiêm chủng tương đối mạnh cũng không đủ để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 thì bài học rút ra là: tự mãn rất nguy hiểm.