Bài học cảnh giác từ vụ "Hồ sơ Panama"

ANTĐ - Xem xét lại xuất xứ nhà đầu tư là một trong những bài học được cơ quan thuế rút ra sau khi câu chuyện trốn thuế xuyên quốc gia được phát hiện trong vụ “Hồ sơ Panama” gây chấn động dư luận thế giới thời gian vừa qua.

Bài học cảnh giác từ vụ "Hồ sơ Panama" ảnh 1

Cơ quan thuế sẽ cảnh giác hơn với các doanh nghiệp đến từ “thiên đường thuế” nhằm tránh thất thu do hoạt động chuyển giá (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp đến từ “thiên đường thuế”

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam chưa phát hiện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nào có liên quan tới “Hồ sơ Panama”. Tuy nhiên, vụ việc đã giúp cơ quan chức năng cảnh giác hơn với các doanh nghiệp từ các “thiên đường thuế”.

Lý giải rõ hơn về thủ đoạn trốn thuế của các doanh nghiệp đến từ “thiên đường thuế”, ông Nguyễn Văn Phụng chỉ ra rằng: “Trên thế giới, có một số hòn đảo hoặc khu vực tự do đưa ra quy định thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0% nên nhiều nhà đầu tư đã lập ra công ty tại đây để đầu tư đi nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Khi vào Việt Nam, lựa chọn được nhiều nhà đầu tư đưa ra là tận dụng mọi ưu đãi thuế trong nước rồi sau đó chuyển tiền trở lại các khu vực “thiên đường thuế” để hưởng mức thuế bằng 0%”.

Đại diện ngành thuế khẳng định, qua vụ việc này, ngành thuế cần tăng cường tiếp cận nhiều nguồn thông tin, phát triển bộ phận quản lý rủi ro và tăng cường giao lưu thêm thông tin trong và ngoài nước, chia sẻ thông tin với cơ quan thuế, nắm bắt thông tin với cơ quan thuế mà ta đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Đồng thời, phải rà soát lại các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần để có thể đàm phán lại với những phần không còn phù hợp. 

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc trốn thuế, rửa tiền như vụ “Hồ sơ Panama” vừa được phanh phui cũng đang xuất hiện trong dòng vốn vào Việt Nam. Vì vậy, cần nhanh chóng hoàn thiện khả năng kiểm soát tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài và ngược lại. “Về vấn đề này, riêng Việt Nam không thể làm được mà cần sự phối hợp quốc tế vì các nhà đầu tư có thể hoạt động ở hơn 200 quốc gia”, TS Vũ Đình Ánh nêu giải pháp. 

Hết ưu đãi là “cuốn gói”

Trên thực tế, tại Việt Nam thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo cách tận dụng tối đa ưu đãi thuế rồi bỗng dưng “biến mất”. Có nhà đầu tư gần hết thời hạn ưu đãi thì nhanh chân “cuốn gói”, tuyên bố phá sản. 

Đại diện ngành thuế nêu ví dụ, thời gian qua, ở Việt Nam có một số doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ  sau một thời gian kinh doanh đều “có vấn đề”, thua lỗ kéo dài từ năm này qua năm khác. Đơn cử, đằng sau “hiện tượng” thua lỗ kéo dài, hệ thống Metro đã bị ngành thuế phát hiện dấu hiệu chuyển giá.

Trước thực tế đó, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, cần rà soát lại hệ thống luật pháp, thể chế để tổng kết thực tiễn xem thời gian qua những ưu đãi nào là phù hợp và chính sách nào cần cắt bỏ. Về vấn đề chống chuyển giá, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, phía cơ quan thuế đã báo cáo lên Bộ Tài chính về việc mua thông tin của cơ quan nước ngoài. Tuy nhiên, đây là bài toán khó bởi điều quan trọng là phải tìm ra được nguồn thông tin tin cậy, có giá trị. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng đang tự xây dựng cơ sở dữ liệu của riêng mình dựa trên kết quả tự thanh tra, kiểm tra. Những số liệu này sẽ được đưa vào hệ thống để có cơ sở so sánh, đối chiếu…