Bài học cảnh giác

ANTĐ - Cuối tuần được nghỉ, tôi qua hàng báo mua vài tờ để xem. Trong lúc tôi đang cúi xuống, tay cầm ví tiền, một phụ nữ đến gần. Bỗng chị ta giật phắt lấy cái ví trên tay tôi cho ra sau lưng. 

Tôi sững sờ, ngạc nhiên, chưa kịp phản ứng gì thì chị ta cười, trả lại tôi cái ví và nói năng nhẹ nhàng: 

- Chị đừng cầm như thế này. Bọn trộm cắp, nghiện hút nó giật. Chị đuổi sao cho kịp?

Tôi cầm lại cái ví. Tôi cảm ơn, bảo chị nói có lý. Đến hiệu làm đầu, khá đông người, tôi lấy báo ra xem, mải mê nên quên chuyện ở hàng mua báo. Đến khi làm đầu xong, lấy tiền trả, tôi bần thần. Hình như tôi bị mất tiền, không mất hết, chỉ quãng sáu, bẩy chục nghìn. Số tiền không lớn nhưng tôi nhớ rõ vì thường ngày tôi ít khi mang theo nhiều tiền trong người. 

Tôi nhớ lại. Chị ta giật rất nhanh, sau đó  cho ra sau lưng rồi trả lại tôi nhanh quá, nói cười và khuyên tôi nhanh quá, khiến tôi không kịp phản ứng, không kịp nghi ngờ, không kịp giở ví ra xem lại, mà chỉ kịp cảm ơn. Và bây giờ tôi vẫn còn bán tín, bán nghi. 

Tôi qua đường, cô bán báo gọi tôi: 

- Cô ơi, lúc nãy cô có bị mất tiền không?

Tôi dần hiểu ra: 

- Có.

- Cô bị mất nhiều không?

- Không, chỉ độ sáu, bẩy chục nghìn. 

- Nó lấy của cô đấy. Có hai người trông thấy nó giật ví của cô, cho ra sau lưng, moi tiền, rồi trả lại cô ví. Cô đi rồi, nó nhảy lên xe, có đứa chờ sẵn, vừa đi vừa đếm tiền. 

Tôi nghĩ: “Xã hội có nhiều người tốt, ít kẻ xấu. Rất tiếc, chị ta còn quá trẻ, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lại không chịu làm ăn lương thiện,  còn khuyên nhủ ra vẻ chân thành nữa. Nhưng những kẻ giả nhân giả nghĩa để che đậy hành vi gian dối sớm muộn gì cũng sẽ phải 

trả giá”.