Uống rượu, bia xong cầm lái ô tô, xe máy không khác gì giết người hàng loạt:

Bài 3 - Xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia và các chất gây nghiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hậu quả của những vụ TNGT mà lái xe sử dụng rượu bia và các chất kích thích gây ra là rất rõ, điển hình là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Bắc Giang gần đây, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người dân cần chấp hành nghiêm quy định - “Đã sử dụng rượu bia thì không lái xe”.

Lái xe sử dụng rượu bia gây TNGT là đáng lên án

“Tôi cho rằng việc điều khiển phương tiện giao thông mà sử dụng rượu bia là đáng lên án. Dù lái xe không gây ra tai nạn giao thông đi chăng nữa thì cũng là nguy hiểm, có lần đầu sẽ có lần sau nên quan điểm của tôi là xử lý nghiêm” - Chị Nguyễn Thị Thanh Loan (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ.

“Tôi đã từng chứng kiến vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển gây ra trong trạng thái say xỉn. Bản thân tôi và nhiều người đi đường khác lúc đó rất sợ hãi. May mắn là người bị đâm chỉ bị thương nhẹ do đoạn đường cũng đông. Nếu lái xe sử dụng rượu bia mà không làm chủ được tay lái và tốc độ thì hậu quả sẽ thế nào” - Chị Hoàng Phương Linh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lo lắng.

Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Bắc Giang làm 3 người chết, mà nguyên nhân xuất phát từ việc lái xe sử dụng rượu bia

Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Bắc Giang làm 3 người chết, mà nguyên nhân xuất phát từ việc lái xe sử dụng rượu bia

Dù là người thường xuyên phải tiếp khách và có sử dụng rượu, bia, nhưng anh Nguyễn Tuấn Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, bản thân anh mỗi lần đi tiếp khách hay uống rượu, bia sẽ không lái xe. Một là anh đón taxi về nhà, hai là ngủ lại cơ quan hoặc nhà nghỉ cho đến khi tỉnh hẳn.

Bởi anh cho rằng: “Uống rượu, bia xong lái xe rất nguy hiểm vì tôi đi ô tô. Nếu không may gây ra tai nạn giao thông thì không biết tôi sẽ phải đối mặt thế nào. Ví như trường hợp lái xe Audi Nguyễn Đức Thịnh gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người tử vong ở Bắc Giang, rõ ràng người này sẽ phải đối mặt với án tù. Nhưng quan trọng hơn là nỗi ân hận, day dứt, ám ảnh cả đời. Tôi không muốn như vậy”.

Không chỉ riêng những người nói trên phản đối việc lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, mà đây là nỗi lo lắng, bức xúc chung của dư luận. Bởi ai cũng thấy rất rõ những hệ lụy để lại, nó là nỗi đau dai dẳng kéo dài có khi đến hết cuộc đời. Ấy vậy nhưng, nếu người dân không thức tỉnh, thì rồi sẽ có những vụ việc tương tự xảy ra.

Cảnh sát giao thông Thủ đô chủ động phòng ngừa

Liên quan đến tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông, trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, khi luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, đơn vị đã đưa chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng các chất gây nghiện và nồng độ cồn là kế hoạch thường niên, xuyên suốt từ đầu năm đến cuối năm, không phải theo thời điểm.

Cảnh sát giao thông Thủ đô triển khai xử lý vi phạm nồng độ cồn thường xuyên, là biện pháp hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông

Cảnh sát giao thông Thủ đô triển khai xử lý vi phạm nồng độ cồn thường xuyên, là biện pháp hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông

“Chúng tôi cũng có những tổng kết, đánh giá theo tháng, quý và theo năm. Chúng tôi đánh giá rằng, đây là một trong những hành vi mà khi người điều khiển mắc phải thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đăc biệt nghiêm trọng” - Thiếu tá Đào Việt Long nhìn nhận.

Một vấn đề mà từ trước đến nay dư luận rất quan tâm chính là thói quen sử dụng rượu, bia của người Việt mà đặc biệt là ở những khu vực ngoại thành trong các ngày lễ hội, Tết, giỗ chạp. Đối với thực tế này, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội cũng đã ý kiến với các sở, ban, ngành về việc quản lý số rượu, bia có ở trên thị trường.

Tuy nhiên, nếu các loại rượu, bia do nhà máy sản xuất thì cơ quan chức năng sẽ kiểm soát được nồng độ cồn là bao nhiêu. Song trên thực tế, nhiều người dân tự ngâm rượu theo các phương thức truyền thống thì sẽ rất khó để xác định được nồng độ cồn.

“Thế nên trước đây, cũng đã có người có ý kiến rằng tại sao ở Việt Nam lại không áp dụng như nước ngoài là phải uống bao nhiêu độ, bao nhiêu cốc thì mới xử lý. Về vấn đề này, quan điểm của Phòng Cảnh sát giao thông là hiện tại chúng ta chưa quản lý được, chưa biết được loại rượu, loại bia người ta uống là bao nhiêu độ, uống bao nhiêu là đủ. Do vậy, chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân và theo luật - “Đã tham gia giao thông thì không sử dụng rượu, bia”.

Còn lực lượng chức năng không cấm người dân sử dụng, hay mua bán rượu, bia, mà đây là trách nhiệm của những người tham gia giao thông từ bộ hành đến điều khiển xe cơ giới và xe thô sơ, khi tham gia giao thông với bất kỳ hình thức nào thì đều không được phép sử dụng rượu, bia” - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thủ đô nhấn mạnh.

Nói về thói quen uống rượu bia của người dân Việt Nam, Thiếu tá Đào Việt Long cũng nhìn nhận, để người dân từ bỏ thì cần có thời gian, mà trong thời gian này buộc lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Cảnh sát giao thông phải duy trì trhường xuyên chuyên đề, kế hoạch xử lý liên quan đến rượu, bia.

Riêng với Cảnh sát giao thông Hà Nội, ngay cả trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều chuyên đề khác có thể tạm dừng, khi mà lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong thời gian giãn cách có thời điểm gần như giảm tuyệt đối, nhưng đối với chuyên đề về rượu, bia và các chất gây nghiện thì đơn vị vẫn duy trì, song song với đó là đảm bảo yếu tố dịch tễ, nguyên tắc “5K” và đảm bảo an toàn cho người dân cũng như cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Xử lý nghiêm tạo sức răn đe

Việc kiểm tra nồng độ cồn có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là răn đe đối với người tham gia giao thông để họ tự ý thức được việc ra đường không sử dụng rượu, bia. Thứ hai là trong các trường hợp nếu phát hiện ra người sử dụng rượu, bia, lực lượng chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật và đặc biệt là không cho người điều khiển phương tiện tại thời điểm đó được điều khiển phương tiện xe cơ giới.

Những vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra là hồi chuông cảnh tỉnh người tham gia giao thông - "Đã uống rượu bia thì không lái xe"

Những vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra là hồi chuông cảnh tỉnh người tham gia giao thông - "Đã uống rượu bia thì không lái xe"

Trong thời gian qua, Hà Nội không xảy ra các vụ tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên liên quan đến rượu, bia cũng một phần là do ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên. Thứ hai, lực lượng Cảnh sát giao thông đã chủ động phối hợp với cơ quan báo chí truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Thứ ba, Cảnh sát giao thông Thủ đô đã tăng cường xử lý các hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Có thể thấy, sự vào cuộc của lực lượng chức năng vẫn là chưa đủ nếu người dân không tự ý thức và nâng cao trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, để tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra không còn là nỗi ám ảnh của mọi người, mọi nhà.