Bài 2: Không thể tung tiền để cứu các con nợ!

(ANTĐ) - Để tìm hiểu thị trường bất động sản, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với 2 chuyên gia kinh tế - tài chính là ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội) và ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
 BĐS đìu hiu gây nhiều tác hại tới nền kinh tế
 BĐS đìu hiu gây nhiều tác hại tới nền kinh tế

 - Bộ Xây dựng vừa kiến nghị nới tín dụng cho vay mua nhà, chuyển nợ từ doanh nghiệp sang người tiêu dùng để cứu thị trường BĐS, giải pháp này có khả thi?
- Ông Nguyễn Minh Phong: Về tổng thể thì giải pháp này tốt, theo hướng cho phép người tiêu dùng có thêm cơ hội để mua nhà và doanh nghiệp bớt áp lực phải trả nợ. Thêm nữa, ngân hàng có thể cho vay được và cuối cùng là giúp thị trường có thêm xung lực.
Nếu chính phủ bật “đèn xanh” và ngân hàng đánh giá người vay, khoản vay đó sẽ đòi được thì chắc sẽ khả thi. Nhưng quan trọng nhất là tránh biến tướng trong cho vay khi người tiêu dùng vay cho các đối tượng buôn bán, đầu cơ bất động sản. Ví dụ, doanh nghiệp buộc tất cả công nhân ký giấy vay ngân hàng để cho chính doanh nghiệp đó đầu cơ tiếp. Như vậy là không đúng mục tiêu của chính sách.
- Ông Cao Sỹ Kiêm: Hướng đề xuất là được nhưng khó có khả năng thực hiện. Thứ nhất, hiện nay, cho vay bất động sản, cho vay chứng khoán, cho vay tiêu dùng là 3 đối tượng kích thích lạm phát rất mạnh. Chúng có hệ số rủi ro rất cao nên tiếp tục hỗ trợ là rất nguy hiểm. Còn Bộ Xây dựng đề xuất tách phần thực hiện xây dựng và đầu cơ ra làm hai, nghe ra hợp lý nhưng tách rất khó. Ai có thể làm việc này?

 Ông Cao Sỹ Kiêm Ông Nguyễn Minh Phong

Bài 2: Không thể tung tiền để cứu các con nợ! ảnh 3 

 Ông Cao Sỹ Kiêm

Ông Nguyễn Minh Phong 

- Vậy phải làm thế nào để hạn chế biến tướng, lợi dụng trong quá trình cho vay?

- Ông Nguyễn Minh Phong: Quan trọng nhất là cơ chế kiểm soát thân nhân người vay. Ngân hàng nên hợp tác với các cơ quan chức năng cũng như có một bộ phận thanh tra độc lập để kiểm tra mẫu và phạt nặng vi phạm.

- BĐS đã tới mức phải “giải cứu” chưa?

- Ông Nguyễn Minh Phong: Nếu nói là “giải cứu” thị trường BĐS có nghĩa là đổ lỗi sự im ắng của thị trường cho toàn xã hội, trong khi ở đây chỉ có lỗi của những kẻ đầu cơ. Người bán lần đầu đã bán xong rồi nên các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà đất có làm sao đâu. Chỉ có đội ngũ đầu cơ, người mua thứ hai trở đi, người bán buôn là gặp nguy hiểm, mà nhóm đối tượng này không nên cứu. Tuy nhiên, nếu người đầu cơ “chết” thì ngân hàng cũng “chết” theo. Bởi vậy, trong việc này cần phân biệt, cơ cấu các thành phần xem đối tượng nào sắp “chết” mà gây “chết” chùm gây nguy hiểm, phải xem xét. Đối tượng nào đầu cơ quá mức, thu lãi lớn mà không hạ giá BĐS thì buộc phải hạ giá để tự cứu. Khi nào hết cách rồi mới phải “cứu”, nếu cứ cứu cả “làng” thì không được.
Về giá BĐS, tôi cho rằng chưa giảm mạnh như nhiều người nói. Nếu nghĩ như thế là ủng hộ người đầu cơ. Giá phải giảm nữa thì mới đúng giá. Doanh nghiệp và các đối tượng bán lẻ đang lãi quá cao, khiến giá bị đội lên. Nếu giá nhà đất mới hạ giá 15-20% so với lúc sôi động thì chưa ăn thua.
- Ông Cao Sỹ Kiêm: Nói chung là thị trường đang ở mức nguy hiểm. Nếu không cẩn thận “bong bóng” BĐS có thể vỡ. Ví dụ, giá nhà hạ quá nhanh, BĐS đóng băng, doanh nghiệp không trả nợ được ngân hàng, cũng không huy động vốn được thêm nữa thì thị trường lung lay ngay.
Riêng về giá nhà đất, hiện nay, tôi thấy chưa giảm tới giá trị thực. Tất nhiên, tùy từng loại công trình để xác định xem đến giá thị thực chưa. Chẳng hạn, dự án Nhà nước giao đất, doanh nghiệp chỉ đầu tư xây dựng mà tính 25-30 triệu đồng/m2 là tính quá xa so với giá thực. Nói chung, ở đa số các dự án, giá bán vẫn vượt lên trên giá thực.

- BĐS có độ trễ rất lớn, trong trường hợp chính sách được điều chỉnh thì liệu cuối năm, thị trường có kịp hồi phục?

- Ông Nguyễn Minh Phong: Giờ nếu ngân hàng cho người tiêu dùng vay ngay, người có nhà đất bán được ngay thì thị trường phục hồi. Cứ tung tiền ra là cứu được thị trường nhưng đó là cứu các con nợ! Còn cứu xây dựng phát triển thì còn cần thêm nhiều thời gian. Thị trường chưa thể bùng phát hoặc sôi nổi vào cuối năm nay.
- Ông Cao Sỹ Kiêm: Không thể hồi phục được. Nếu có thay đổi thì chỉ có thể chặn khỏi vỡ “bong bóng” hoặc cải thiện tình hình chút ít. Thị trường khôi phục phụ thuộc vào sức mua, sự ổn định của nền kinh tế và chính sách ngăn chặn đầu cơ quyết liệt, để có thể giải quyết căn cơ hậu quả của nạn đầu cơ.

- Cụ thể với đề xuất chuyển nợ từ doanh nghiệp sang người tiêu dùng để tạo dòng tiền lưu thông thì sao?

- Ông Cao Sỹ Kiêm: Khó chuyển nợ từ người này sang người kia lắm, không có lối ra! Tôi nhận định, đến cuối năm 2011, thị trường vẫn ảm đạm.