Lật giở truyền thuyết Thành nhà Hồ

Bài 1: Trong làn sương mờ ảo

ANTĐ - Năm 1397, Thành nhà Hồ được Hồ Quý Ly cho xây dựng. Hơn 600 năm sau công trình bằng đá đồ sộ này đã được UNESCO công nhận là di sản của toàn nhân loại. Suốt những năm qua, nhiều nhà nghiên cứu đã dày công tìm hiểu về những bí mật ẩn chứa tại tòa thành này. Nhưng cho đến giờ chưa một ai đưa ra được lời giải thích thấu đáo và cặn kẽ. Phủ lên Thành nhà Hồ vẫn là một màn sương mờ ảo của truyền thuyết với nhiều chi tiết nửa thực, nửa hư…

Cổng phía Nam cũng là cổng chính Thành nhà Hồ

Là một công trình tồn tại hàng chục thế kỷ, nhưng không hiểu vì lý do gì, các thư tịch cổ đầu thế kỷ XV đã không ghi chép kỹ lưỡng về việc xây dựng thành của Hồ Quý Ly. Việc này chỉ được nhắc đến với vài dòng trong một số bộ chính sử. Và vì thế, việc nghiên cứu thành phần nhiều khi phải dựa vào truyền thuyết được người dân lưu truyền qua bao đời…

Kỹ thuật xây dựng “thần tốc”

Phụng mệnh Vua Trần Thuận Tông, năm 1397, Hồ Quý Ly vào động An Tôn, phủ Thanh Hóa, nay là khu vực các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tìm đất xây dựng thành lũy. Sự độc đáo, sáng tạo của Thành nhà Hồ nằm ở chỗ, vật liệu xây dựng, không giống như các kiểu thành từng được sử dụng trước đó. Chất liệu chính mà Hồ Quý Ly lựa chọn để xây nên tòa thành thế kỷ này là đá. Những phiến đá xanh được gọt đẽo vuông vức, xếp chồng lên nhau theo mạch chữ T. Các phiến đá ở bốn cổng thành Đông, Tây, Nam, Bắc thì xếp theo hình vòm như múi bưởi, tất cả đá đều có kích thước lớn, cá biệt, có những phiến đá nặng tới xấp xỉ 30 tấn. Trong 4 cửa, cửa phía Nam là cửa lớn nhất với chiều rộng 38m, cao 10m, mở 3 vòm cửa, các cổng còn lại chỉ có một vòm. Theo ước tính, để tòa thành hoàn thiện, người xưa đã phải sử dụng khoảng 100.000m3 đất, 20.000m3 đá.

Phía ngoài thành là một hệ thống hào, rộng tới 50m và sâu vài chục kilômét cùng một hệ thống lũy đất và La thành bằng tre gai vây quanh, chu vi các vòng thành ngoài này cũng lên tới cả chục kilômét. Sử cũ chép rằng, bên trong thành xưa còn có một con đường lát đá gọi là đường Hòe Nhai, chạy suốt từ cửa Đông cho tới chân núi Đốn Sơn, phía bên trong gồm điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, cung Phù Cực… tất cả các công trình này đều chỉ được thực hiện trong vòng có 3 tháng. Nếu điều này là đúng, thì tốc độ xây dựng Thành nhà Hồ 600 năm về trước đã bỏ xa mọi  kỹ thuật xây dựng hiện đại.

Tuy chính sử chép rõ ràng là 3 tháng (Đại Việt sử ký toàn thư) nhưng trong dân gian lại tồn tại một dị bản, rằng Hồ Quý Ly đã phải mất tới 6 năm để xây thành. Chuyện là, sau khi nghiên cứu phong thủy kỹ càng, Hồ Quý Ly đã chọn động An Tôn làm nơi dựng nghiệp lâu dài. Song, người con trai thứ 2 của ông là Hồ Hán Thương - cũng là một người am tường thuật phong thủy đã gạt đi mà rằng, đây chỉ là đất “Long - Xà ẩm thủy - Lục niên kỷ chú”, thế đất này còn non, nên chỉ trụ được trên dưới 6 năm mà thôi. Quả nhiên, sau khi lên ngôi Hoàng đế năm 1400, chỉ 3 tháng sau đó, Hồ Quý Ly đã nhường ngôi cho Hồ Hán Thương, và đến năm 1406, nhà Hồ đã thất thủ trước quân Minh xâm lược.

Lần theo câu chuyện dân gian này, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra một giả thiết: Nhà Hồ vừa xây dựng vừa ở cả thảy chỉ được 6 năm, năm 1407, khi nhà Hồ đã thất bại thì thành vẫn chưa hoàn thiện. Vật chứng rõ ràng nhất là cửa thành phía Đông và phía Tây còn đang xây dựng dở dang, mới chỉ lắp đặt xong vòm cuốn, mà vẫn chưa xong 2 mặt cổng. Ngoài ra, còn đoạn cổng thành gần góc chính Bắc chừng 30m, các phiến đá mới chỉ được lắp ghép mà vẫn chưa xong phần gia công đẽo gọt…

Từ… giấy bản làm nên tòa thành?!

Toàn cảnh Thành nhà Hồ nhìn từ cổng Nam

Thêm một điều nữa mà bất cứ du khách nào đến với Thành nhà Hồ cũng phải trầm trồ thán phục là bằng cách nào, các nghệ nhân và thợ thủ công xưa tách được các khối đá khổng lồ nặng hàng chục tấn từ trên núi, đưa về nơi chế tác, đẽo gọt vuông vức, bằng phẳng rồi lắp ghép lên các bức tường thành, có nơi cao đến cả chục mét. Để giải thích về điều kỳ diệu này, người dân Vĩnh Lộc giờ vẫn còn lưu truyền câu chuyện rằng, để xây được những vòm cuốn kỳ diệu kia, Hồ Quý Ly đã được sự giúp sức của thần linh. Ban ngày ông cho người cắt giấy thành hình những viên đá lớn rồi xếp lên nhau. Chỉ qua một đêm, giấy đã biến thành đá… Dân gian lưu truyền là thế, nhưng khi đi sâu vào tìm hiểu, các nhà khoa học đã khẳng định, việc Hồ Quý Ly bắt dân địa phương nộp giấy bản là có thật.

Ngoài việc lợi dụng thần linh để nâng cao uy quyền, nhà Hồ đã sử dụng giấy bản như là vật liệu xây dựng. Giấy bản được nghiền nát, trộn với mật, vôi và trấu để làm nên một chất kết dính tương tự như xi măng, rồi trát vào kẽ hở giữa các phiến đá. Các mẩu vữa ở Thành nhà Hồ từng được mang đi phân tích thành phần cấu tạo, kết quả khẳng định có sự tồn tại của giấy bản trong vữa.

Còn một câu chuyện khác cũng được lưu truyền trong dân gian rằng, lúc đầu, việc xây dựng các vòm cổng không thành công. Cứ xây lên là sập, mỗi ngày có tới cả chục người chết vì tai nạn lao động, ngón tay, ngón chân nhặt được cả rổ… Mãi sau, viên quan phụ trách mới có sáng kiến, dùng giấy bản cắt thành hình vòm cổng như dự định, rồi sai thợ gọt đẽo đá làm hệt theo mẫu đã đưa. Khi bắt đầu thi công, cho đắp đất cát bên trong làm cốt, rồi xếp đá lên theo hình vòm cuốn, khi hoàn thành được vòm cổng khít khao với độ cong cân đối, lúc đó mới moi đất ra.

(Còn nữa)