Vi phạm tại nhiều điểm trông giữ xe: Có tính hệ thống

Bài 1: “Sờ” đâu cũng ra vi phạm

ANTĐ - Không đơn thuần là những lỗi hành chính, vi phạm tại các điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội đã và đang diễn ra có hệ thống, có sự tính toán, đối phó với cơ quan chức năng, với thành phần vi phạm cả tư nhân lẫn nhiều đơn vị thuộc “khối” hành chính sự nghiệp.

Sau khi bị kiểm tra, xử lý, điểm trông xe ở bể bơi Tăng Bạt Hổ (ảnh nhỏ)

và công viên Tuổi trẻ vẫn hoạt động bình thường!


Phạt cả trăm triệu đồng vẫn vui vẻ

Một cán bộ Đội Giao thông - Bưu điện, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, CATP Hà Nội nhận xét: “Hiếm có dịch vụ nào phát triển nhanh và vi phạm… nhiều như dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy. Vì lợi nhuận, các cá nhân, tổ chức sẵn sàng “bước qua” quy định, sẵn sàng nộp phạt hành chính để… tiếp tục vi phạm”. Minh chứng cho nhận xét này là kết quả kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe “nổi cộm” mà lực lượng CSKT triển khai từ đầu tháng 8 đến nay: 66 trường hợp bị xử lý, trong đó có trường hợp vi phạm theo “cụm” (nhiều bãi trông giữ xe ở cùng địa điểm) và bị phạt hành chính, truy thu thuế số tiền lên đến gần 450 triệu đồng.

Vi phạm phổ biến ở những điểm trông giữ là hoạt động không phép, thu phí cao hơn mức quy định, không niêm yết giá, không kê khai nộp thuế, sử dụng vé tự in, chiếm dụng trái phép hè đường… Trong số gần 60 trường hợp bị lực lượng chức năng xử lý, có không ít cơ sở thuộc khối hành chính sự nghiệp, công ty cổ phần… Trong danh sách 66 điểm trông xe bị lực lượng CSKT kiểm tra từ tháng 8 đến nay, nổi lên mấy địa chỉ nhức nhối. Chẳng hạn một điểm trông xe vi phạm bị phát hiện, xử lý ở quận Cầu Giấy trong giấy phép cấp cho doanh nghiệp được sử dụng 270m2 hè đường, song doanh nghiệp đã trưng dụng tới… 4.000m2 để kinh doanh trông giữ. Hay điểm trông xe ở chung cư 262 Nguyễn Huy Tưởng thuộc Công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội.

Chỉ huy Đội Giao thông - Bưu điện cho biết, thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện hàng trăm ô tô, xe máy, xe đạp ở điểm trông xe này, nhưng đơn vị trông xe lại không xuất trình được các thủ tục pháp nhân, sổ sách theo dõi theo quy định. Vé trông giữ cũng do đơn vị này tự phát hành. Vi phạm “quy mô, hệ thống” hơn phải kể đến “cụm” trông giữ xe trong công viên Tuổi trẻ, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Ngày 11-8, khi đoàn liên ngành của thành phố vào kiểm tra “cụm” trông giữ xe này, bắt quả tang vi phạm không có bảng niêm yết giá, thu phí cao hơn giá quy định. Lực lượng chức năng đã ra quyết định truy thu thuế và xử phạt số tiền gần 450 triệu đồng.

Hoạt động, vi phạm công khai không kém khối cơ quan, doanh nghiệp trên là các điểm trông giữ xe ở khu vực quận Hoàn Kiếm. Cũng từ đầu tháng 8 đến nay, riêng lực lượng CSKT tập trung rà soát, xử lý 4 điểm trông xe máy với vi phạm về thu phí trông giữ “đồng hạng” 5.000 đồng/xe. Đáng chú ý, lực lượng chức năng phát hiện một điểm trông giữ xe ô tô ở lòng đường phố Phùng Hưng (đoạn gần phố Hàng Bông), thuộc cơ quan Nhà nước quản lý, thu phí trông giữ theo quy định… tự ban hành: 20.000 đồng/lượt cho thời gian trông giữ dưới 120 phút.

Phạt cho... tồn tại

Sau nhiều ngày đi thực tế, chúng tôi ghi nhận đã có sự chuyển biến nhất định ở một số đơn vị, điểm trông giữ có tư cách pháp nhân rõ ràng, như bệnh viện, nhà văn hóa, trường học. Còn không ít điểm trông giữ, dù quyết định phạt hành chính hay truy thu thuế từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, vẫn còn “nóng hôi hổi”, vi phạm vẫn ngang nhiên tái diễn.

Cuối buổi sáng 7-9, chúng tôi tìm đến công viên Tuổi trẻ. Hai nhân viên, một nam - một nữ tỏ ra hết sức xởi lởi trước câu hỏi “còn chỗ trông xe ô tô đêm không?”. “Còn anh ạ, bọn em trông theo tháng nhưng chỉ loại xe từ 4 đến 7 chỗ thôi”. “Mình không có mái che cho ô tô à?”. “Công viên thì lấy đâu ra mái che hả anh”. Tìm mỏi mắt tôi không nhìn thấy tấm biển trông giữ xe ô tô, xe máy nào. Thế nhưng la liệt xe ngay trong khuôn viên công viên này, ngay lối cửa ra vào, bên tay phải. Liếc nhìn vào chiếc hộp sắt đựng vé trông xe, tôi nhận thấy có 2 loại dành phục vụ trông giữ xe máy. Một vé loại mệnh giá 3.000 đồng. Nhưng đè lên trên nó chỉ là tập vé mệnh giá 1.000 đồng. Nội dung vé thể hiện đơn vị phát hành là công viên Tuổi trẻ. Và đa phần khách vào công viên sẽ bị đưa ngay vé loại 3.000 đồng. “Tiểu xảo” hai loại vé này chắc chắn giúp nhóm người trông xe trên vừa tận thu được của khách, vừa dễ dàng đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Địa chỉ tiếp theo chúng tôi tìm đến là khuôn viên bể bơi Tăng Bạt Hổ, phường Phạm Đình Hổ. Báo ANTĐ từng có bài phản ánh việc bể bơi này bị thay đổi chức năng sang gara ô tô kiêm trông giữ xe. Sau khi báo đăng, lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với chủ quản lý điểm trông giữ này về lỗi không có giấy phép trông xe. Biên bản vi phạm lập trong tháng 8, nhưng từ đó đến nay, điểm trông giữ ô tô này vẫn hoạt động bình thường.

Chế tài đối với hành vi vi phạm còn yếu? Trách nhiệm giải quyết thuộc về ai? Phải chăng đã và đang tồn tại “cơ chế”: phạt cho tồn tại đối với điểm trông giữ xe vi phạm?...

(Còn nữa)