Bài 1: Hàng đồ chơi trẻ em Trung Quốc áp đảo

(ANTĐ) - Lâu nay, người tiêu dùng Việt Nam vẫn lựa chọn đồ chơi có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc cho con em mình dù biết rằng sự an toàn của trẻ khó đảm bảo. Nhưng muốn lựa chọn đồ chơi Việt Nam cũng khó, bởi cung không theo kịp cầu.

Đồ chơi Trung Quốc tràn lan trên thị trường (ảnh minh hoạ)

Hiểm họa từ đồ chơi Trung Quốc

Bộ đồ chơi “Rô bốt trái cây” đang áp đảo thị trường đồ chơi dành cho trẻ em ở thời điểm hiện tại. Tại phố Lương Văn Can, nhà sách Nguyễn Văn Cừ, cửa hàng Thế giới ngày mai (Kim Mã) hay các siêu thị, đâu đâu cũng thấy: Dâu con, Nho xinh, Dứa lùn, Đào tròn, Quýt mập... có xuất xứ từ Trung Quốc. Chị Hậu- chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can cho biết: “Rô bốt trái cây là đồ chơi hiện được cả bé trai và bé gái ưa thích. Bộ phim hoạt hình này đang được chiếu trên truyền hình, các em rất yêu thích nên muốn có bộ đồ chơi đó”.

Không chỉ tại những tuyến phố chuyên kinh doanh về đồ chơi, tại siêu thị BigC Thăng Long - một siêu thị có tỷ lệ hàng Việt rất cao trong cơ cấu hàng bày bán, đồ chơi Trung Quốc vẫn chiếm đa số. Ví dụ, xe ô tô bình một chỗ điều khiển với giá bán 1.699 nghìn đồng của nhà sản xuất Zhong xiang toys; đất nặn các kích cỡ của nhà sản xuất Jinhua zhigao Playdough Co. ltd… với màu sắc, hình khối bắt mắt và có nhiều mức giá cho khách hàng lựa chọn. Ngoài ra, các loại đồ chơi thông dụng khác như: vỉ game, búp bê, xe ô tô cỡ nhỏ, bóng, thú nhún… đều của Trung Quốc sản xuất.

Trong khi đó, đồ chơi Việt Nam lại rất hiếm hoi. Tìm mãi, chị Mai -  Thành Công (Ba Đình) mới thấy đồ chơi có xuất  xứ Việt Nam là chiếc xe lúc lắc thú (hoặc siêu nhân) có giá gần 370 nghìn đồng. “Tôi đang chọn mua xe cho con trai hơn 2 tuổi tập đi. Rất muốn mua hàng Việt Nam nhưng màu sắc không được đẹp bằng hàng Trung Quốc, lại có quá ít lựa chọn. Tuy nhiên, đồ chơi Trung Quốc lại mù mờ, không thấy dán tem hợp chuẩn khiến tôi đắn đo” - chị Mai chia sẻ.

Ông Trần Cao Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trần Cường (công ty kinh doanh khu vui chơi giải trí cho trẻ em) cho biết: “Với đồ chơi dùng ngoài trời, hàng Việt Nam hiện đáp ứng được khoảng 40%. Ví dụ hàng Việt Nam có: nhà hơi, nhà bóng, tàu lượn, cầu trượt, bể cá, thiên nga, đu quay, đua ngựa… nhưng đồ chơi dùng trong nhà hiện chỉ đáp ứng được khoảng 10%, còn lại là phải nhập khẩu, như: tàu hỏa, xe đụng… Đồ chơi điện tử nhiều tính năng Việt Nam còn thua Trung Quốc trong khâu sản xuất. Chúng tôi biết hàng Trung Quốc rất nhanh hỏng nhưng không mua thì không có đồ dùng” - ông Cường nói.

Thị trường đồ chơi Việt Nam cũng có sự góp mặt của đồ chơi Thái Lan, Đan Mạch… nhưng số lượng ít và giá sản phẩm cao, chỉ một bộ phận nhỏ khách hàng lựa chọn.

Khách hàng Việt rất e ngại chất lượng

Chị Nguyễn Thị Hằng (thị trấn Cầu Diễn - Từ Liêm) cho biết: “Đồ chơi Trung Quốc rất nhanh hỏng, lại có nhiều cạnh sắc nhọn, nguy hiểm cho bé. Trên báo đài còn thường xuyên đưa thông tin đồ chơi Trung Quốc có chất độc hại… nên khi lựa đồ, tôi thường chọn hàng nội tuy có đắt hơn một chút”.

Chị Phương (Nghĩa Đô - Cầu Giấy) nhận xét: “Người tiêu dùng Việt Nam giờ được cung cấp rất nhiều thông tin về sản phẩm an toàn nên có cơ hội là chúng tôi luôn lựa chọn hàng Việt, đặc biệt vào dịp Trung thu hay Tết Thiếu nhi. Đồ chơi thông dụng hàng ngày tôi không bao giờ chọn những loại nhỏ mà bé dễ dàng cho vào miệng ngậm, chỉ chọn xe tập đi của Trung Quốc vì nó đa năng hơn. Nếu là xe tập đi thì vừa có nhạc, vừa có đèn nhấp nháy, thậm chí có cả phun bóng…”.

Trên các diễn đàn mạng, nhiều bậc phụ huynh chia sẻ thông tin về các hãng và loại đồ chơi an toàn của Việt Nam. Các bậc phụ huynh đều có chung sự lo lắng khi buộc phải lựa chọn đồ chơi Trung Quốc và luôn mong mỏi các nhà sản xuất đồ chơi Việt Nam nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người Việt. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, đồ chơi chất liệu bằng gỗ do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đang được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn bởi màu sắc phong phú, an toàn và giúp bé phát triển trí tuệ… Việt Nam cũng có một số hãng sản xuất đồ chơi tên tuổi như: Veesano, Công ty cổ phần Robotics TOSY… Mới đây, đồ chơi Việt Nam đã thực sự khuấy đảo cuộc triển lãm đồ chơi lớn nhất châu Á và lớn thứ 2 trên thế giới diễn ra ở Hồng Kông trong 3 ngày từ ngày 10 đến 13-1-2011. Nhiều công ty dự triển lãm đến từ Trung Quốc đã phải lép vế trước đồ chơi Việt Nam.

(Còn nữa)

Hà Nội nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc
Số liệu từ Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho thấy, 6 tháng đầu năm 2011, hàng hóa Trung Quốc được nhập khẩu vào Hà Nội chiếm 27,6% tổng giá trị nhập khẩu, tương đương với gần 3,5 tỷ USD. Ngoài ra, Hà Nội nhập khẩu hàng hóa nhiều từ các nước: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ước tính, 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 12,5 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 6 này, kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội tăng 3% so với tháng trước. Hầu hết các mặt hàng có tốc độ tăng nhập khẩu, điển hình là: máy móc thiết bị phụ tùng tăng 29,9%; vật tư nguyên liệu tăng 31,1% (phân bón tăng 22%, hóa chất tăng 18,6%, chất dẻo tăng 18%, xăng dầu tăng 48,2%...).
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Hà Nội như: dệt may, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi... lại giảm. Dự kiến 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã nhập siêu gần 8,3 tỷ USD hàng hóa các loại.