Bác sĩ Myanmar chữa bệnh “chui” giữa đợt bùng phát Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hệ thống y tế của Myanmar đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 bùng phát, một phần bởi quá thiếu đội ngũ y, bác sĩ. Kể từ sau cuộc đảo chính của chính quyền quân sự, nhiều nhân viên y tế phản đối cuộc đảo chính đã bị bắt giữ. Tại quốc gia Đông Nam Á này, các bác sĩ buộc phải lẩn trốn để tránh bị bắt đã thiết lập mạng lưới ngầm gồm các phòng khám và dịch vụ điều hành từ xa.
Mọi người chờ nạp oxy bên ngoài nhà máy ở Mandalay, Myanmar hôm 13-7

Mọi người chờ nạp oxy bên ngoài nhà máy ở Mandalay, Myanmar hôm 13-7

“Chúng tôi đang điều trị cho ít nhất 150 người mỗi ngày. Hơn một nửa số bệnh nhân này phàn nàn về sốt, mất khứu giác và các triệu chứng giống như Covid-19. Một nửa số bệnh nhân là trường hợp nặng”, một người làm bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình trước cuộc đảo chính cho biết. Nhóm tư vấn qua điện thoại EZ Care của ông đã điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân trong tháng qua. “Hôm qua, 2 bệnh nhân đã tử vong khi chúng tôi đang hội chẩn vì thiếu oxy. Không có oxy, chúng tôi không thể làm gì được”.

Một bác sĩ trẻ ở Yangon cho biết, 6 bệnh nhân của cô đã chết trong một ngày vào tuần trước; người trẻ nhất 49 tuổi. Nữ bác sĩ nói rằng, cô đến thăm người bệnh nặng ở nhà nhưng cảm thấy bất lực khi đối mặt với cuộc khủng hoảng ngày càng tăng. “Tôi đã khám cho một bệnh nhân tại nhà và thật đau lòng khi thấy ông ấy thở rất nặng nhọc. Giống như người bệnh đang chết đuối trong nước nhưng thực ra ông ấy đang chết đuối trong không khí vì không nhận được oxy qua phổi và máu. Sau đó, tôi đã nhận được một cuộc điện thoại từ gia đình nói rằng ông ấy đã ra đi”.

Nữ bác sĩ ấy làm việc cả ngày lẫn đêm, trả lời tin nhắn điên cuồng trên các ứng dụng mã hóa hoặc tư vấn qua video, nhưng hầu hết những người ở nhà không có kiến thức y tế cần thiết để điều trị cho người thân của họ. “Họ không biết cách xử lý các máy tạo oxy, bơm kim tiêm, cách lắp ráp các đường dây từ máy đến bệnh nhân, hay lượng oxy để cung cấp cho bệnh nhân”. Vị bác sĩ trẻ, người cũng không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết mọi người đang trong tình trạng hoảng loạn. “Thiếu thuốc men và không được chăm sóc chu đáo, mọi người rất hoảng sợ không biết đi đâu, chữa trị như thế nào nên chỉ mua mỗi loại thuốc có ghi trên mạng “loại này dành cho Covid”, cô nói.

Đợt bùng phát mới nhất ở Myanmar được cho là đã bắt đầu khoảng 1 tháng trước ở bang Chin phía Tây, giáp với Ấn Độ rồi lây lan nhanh chóng khi biến thể Delta tấn công khắp các nước Đông Nam Á. Từ đợt dịch trước và trước cuộc đảo chính, dù thiếu nhân viên y tế và thiếu xét nghiệm, Myanmar kiểm soát tốt tình hình, là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực mua vaccine và nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi đã lên kế hoạch triển khai chương trình vaccine trên toàn quốc vào tháng 4-2021.

Sau khi quân đội tiếp quản, các hoạt động xét nghiệm Covid-19, các biện pháp phòng ngừa và chương trình vaccine đã sụp đổ do hậu quả của sự hỗn loạn về chính trị. Trong những ngày gần đây, Bộ Y tế do quân đội kiểm soát cho biết, họ đang đặt mục tiêu đưa 50% dân số của tổng cộng 55 triệu dân Myanmar được tiêm chủng trong năm nay. Thông báo của Bộ này cho biết, hiện hơn 1,6 triệu người đã được tiêm chủng và các loại vaccine liên tục được nhập khẩu để đảm bảo 100% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Nhưng người dân ngày càng lo cho số phận của mình nếu đại dịch không được kiểm soát.

Chính quyền đương nhiệm cũng đã kêu gọi các bác sĩ, y tá và các chuyên gia khác tình nguyện đến làm tại các bệnh viện công và trung tâm điều trị Covid-19 do thiếu nhân lực trầm trọng nhưng các bác sĩ nói rằng, họ cảm thấy không an toàn khi hợp tác trở lại. Ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về nhân quyền tại Myanmar cho biết: “Tính đến tuần trước, đã có hơn 500 lệnh bắt giữ đối với các bác sĩ và y tá. Không ai có thể vừa chống Covid-19 vừa tấn công bác sĩ, y tá và các phòng khám. Đó chính xác là điều đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn theo cấp số nhân ở Myanmar”.