Bác sĩ cũng có quyền phòng vệ chính đáng

ANTD.VN - Hơn 10 ngày qua, nhân viên y tế không khỏi bất an khi tiếp tục xảy ra 2 vụ người nhà bệnh nhân hành hung y, bác sĩ trong bệnh viện.

Bác sĩ cũng có quyền phòng vệ chính đáng ảnh 1Vụ người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ vừa xảy ra ở Bệnh viện 115 (Nghệ An)

Vấn đề được đặt ra là y, bác sĩ cần hành xử như thế nào, có được quyền tự vệ khi bị hành hung? Câu chuyện Bệnh viện Tim Hà Nội treo tấm biển với dòng chữ “Chúng tôi rất coi trọng nhân viên của mình và sẽ có hành động chống lại bất cứ người nào lăng mạ, xúc phạm hoặc đe dọa tấn công họ” khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Bác sĩ “có đai đen” cũng… vẫn là người yếu thế

Dù đã được dư luận đề cập đến rất nhiều song tình trạng hành hung nhân viên y tế không giảm mà vẫn đang có xu hướng gia tăng. Chỉ trong nửa tháng qua, đã xảy ra 2 vụ việc làm xôn xao dư luận. Cụ thể, ngày 15-8, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, trong lúc điều dưỡng đang chuẩn bị chuyển khoa cho người bệnh thì bất ngờ bị người nhà bệnh nhân đuổi đánh khiến điều dưỡng bị thương ở mặt và phải theo dõi chấn động não.

Sau đó 1 tuần, tại Khoa cấp cứu - Bệnh viện 115 Nghệ An, trong lúc bác sĩ và điều dưỡng đang cấp cứu cho bệnh nhân thì bị người nhà bệnh nhân tấn công, hành hung. Những vụ việc này không chỉ gây mất trật tự an ninh của bệnh viện mà còn ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh, ảnh hưởng tới tinh thần, tính mạng, động lực của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế.

Khi xảy ra bạo hành với nhân viên y tế thì ứng xử phù hợp nhất lúc đó không phải đôi co hoặc có những hành vi phản ứng lại mà cần tìm cách thoát khỏi tình huống đó.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế 

Nói về thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ông rất buồn vì tình trạng bạo hành y tế có chiều hướng gia tăng mặc dù ngành y đã sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ nhân viên y tế và bản thân các y, bác sĩ cũng đã tìm mọi cách để bảo vệ mình. 

“Khi người nhà bệnh nhân xúc phạm, đánh bác sĩ thì câu chuyện sẽ khác nếu ở trong xã hội thông thường. Còn khi chúng tôi đang mặc áo blouse, chúng tôi không thể cởi áo ra để đánh nhau với người ta được. Xã hội không chấp nhận một bác sĩ đang mặc áo blouse cãi chửi nhau với người nhà hay bệnh nhân. Do đó, chúng tôi luôn ở thế yếu so với các đối tượng manh động kia. Về mặt pháp luật, chúng tôi cần phải được bảo vệ như những người khác” - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Có không ít ý kiến từ giới luật sư cho rằng, trong tình huống bị tấn công, y bác sĩ cũng như một người bình thường, có quyền phòng vệ chính đáng hay nói cách khác là được phép chống trả một cách cần thiết nhằm bảo vệ mình và đồng nghiệp. Song theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa, khi xảy ra bạo hành với nhân viên y tế thì ứng xử phù hợp nhất lúc đó không phải đôi co hoặc có những hành vi phản ứng lại mà cần tìm cách thoát khỏi tình huống đó. 

“Tôi biết có y, bác sĩ, nhân viên y tế là võ sư đai đen nhưng trong tình huống bị tấn công thì họ chỉ chủ động gạt, đỡ mà thôi” - ông Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ.

Bác sĩ cũng có quyền phòng vệ chính đáng ảnh 2Người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ ngày 25-7, tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

Cần chế tài nghiêm khắc hơn

TS.BS Lê Tư Hoàng, Phó trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Việt Đức cho biết, bạo hành với nhân viên y tế không chỉ là tấn công, đánh còn có các hành vi như chửi bới, lăng mạ, đe dọa y, bác sĩ. Thế nhưng, cán bộ y tế thường ít khi lên tiếng trong những trường hợp bị bạo hành.

“Dưới cái nhìn của một số người, họ vẫn nghĩ lỗi nhiều thuộc về các nhân viên y tế để cho bệnh nhân bức xúc và khi có sự việc bạo hành y, bác sĩ xảy ra thì người ta thường đánh dấu hỏi về nhân viên y tế. Chính vì vậy nếu nhân viên y tế có nói ra, giãi bày thì đôi khi lại bất lợi hơn” - bác sĩ Lê Tư Hoàng phân tích.

Đề nghị cần phải có các biện pháp phản ứng quyết liệt, mạnh mẽ hơn, bác sỹ Lê Tư Hoàng nói: “Tại Bệnh viện Việt-Đức, chúng tôi đang thuê 156 nhân viên bảo vệ với tổng mức tiền lương hơn 700 triệu đồng/tháng, riêng phòng cấp cứu luôn có 4 bảo vệ túc trực. Bệnh viện cũng trang bị hệ thống camera và các nút ấn báo động khẩn cấp tại các bàn. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ được tập huấn kỹ năng, để bảo vệ nhân viên y tế và bệnh nhân” - bác sĩ Lê Tư Hoàng chia sẻ.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, những năm gần đây, cơ quan pháp luật cũng đã vào cuộc tích cực để bảo vệ cán bộ ngành y. Nhiều đối tượng tấn công bác sĩ đã bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Dù vậy, những vụ việc mà đối tượng hành hung bác sĩ bị xử lý như vậy còn chưa nhiều. Ông Nguyễn Trọng Khoa đề nghị, hành vi bạo hành với nhân viên y tế cần phải được xử lý nghiêm khắc hơn, hình phạt phải bị tăng nặng hơn thì mới đủ sức răn đe.