Đắc Lắc:

Bác sĩ bệnh viện công bỏ việc vì lương quá thấp

ANTĐ - Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh Đắc Lắc đã có 48 bác sĩ bỏ việc tại bệnh viện công. Trong đó, chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc có đến 12 bác sĩ bỏ việc.
bac si Dao Anh Dung.jpg
Các bác sĩ bỏ bệnh viện công ra làm tư phần lớn đều vì thu nhập. Ảnh minh họ

Những người bỏ việc là bác sĩ chuyên khoa, chuyên khoa I, thạc sĩ, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tương đối vững vàng. Phần lớn số bác sĩ bỏ việc tại các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh đã “đầu quân” cho y tế tư nhân.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Phi Tiến cho biết, việc cán bộ y tế bỏ bệnh viện công ra làm tư là một hiện tượng diễn ra khá phổ biến ở cả tuyến trung ương đến  địa phương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bác sĩ bỏ việc tại bệnh viện công, song nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập. Hiện nay, thu nhập của bác sĩ tại các bệnh viện công tương đối thấp, không thể trang trải được cuộc sống, trong khi đó tại bệnh viện tư nhân, tuy cũng công việc chuyên môn như thế, nhưng thu nhập của đội ngũ bác sĩ luôn cao gấp nhiều lần so với thu nhập ở bệnh viện công.

Bên cạnh đó, tình trạng bác sĩ bỏ việc tại bệnh viện công ngày càng nhiều đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của các bệnh viện, bởi trên thực tế, đội ngũ nhân lực tại các bệnh viện công hiện đang còn thiếu, nhất là các bác sĩ có chuyên môn cao nên khi có bác sĩ bỏ việc lại càng làm cho tình trạng thiếu nhân lực trở nên trầm trọng hơn.

Được biết, mặc dù Nghị quyết 31 ngày 19-12-2008 của HĐND tỉnh khóa VII đã đề ra chính sách hỗ trợ kinh phí thu hút cán bộ y tế có chuyên môn cao (10 triệu đồng đối với dược sĩ đại học hệ chính quy; 15 triệu đồng đối với bác sĩ chuyên khoa I và 20 triệu đồng đối với bác sĩ chuyên khoa II), song từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh mới chỉ thu hút được 4 cán bộ (2 bác sĩ chuyên khoa 1, 1 dược sĩ đại học và 1 thạc sĩ). Số cán bộ thu hút này về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Dak Lak (3 người) và Bệnh viện Lao và bệnh Phổi. Còn đối với các bệnh viện tuyến huyện và các trung tâm y tế dự phòng, trong 3 năm liên tục kể từ khi có chính sách hỗ trợ kinh phí thu hút vẫn chưa thu hút được bác sĩ, dược sĩ nào về công tác.