“Bác sĩ bắt bệnh” Dương Cầm

ANTĐ - Đặng Nguyên Hào là một người thợ - người lên dây đàn piano có tay nghề cao bậc nhất Việt Nam. Luôn đứng sau sân khấu, ít ai biết rằng ông là nhân vật không thể thiếu trước mỗi chương trình nhạc cổ điển ở Nhà hát Lớn Hà Nội.

Ông Đặng Nguyên Hào đang chỉnh lại dây đàn nắn nót từng thanh âm

Đi làm bằng… tai

Đối với những người sành piano ở Hà Nội, ai cũng biết ông Đặng Nguyên Hào - người đàn ông được coi là “bác sỹ” của những cây dương cầm. Ông Hào được học piano một thời gian, trong  30 năm nay, ông lại gắn bó với công việc “nắn nót” thanh âm. Năm 1975, ông sang Nga học lên dây đàn – vốn là một lĩnh vực mà bấy giờ trong nước ít người biết đến. Chỉ 1 năm sau, khi về nước ông đã có thể kiếm sống bằng nghề. Để làm được nghề này trước hết phải có kiến thức nhạc lý để nhận biết được thế nào là âm thanh chuẩn. Tiếp theo đó là phải có một đôi tai đủ nhạy cảm, đủ tinh tế để “bắt bệnh” âm thanh, biết được tiếng đàn vang hay ngắn, trong hay rè... Ông kể, học piano 7,8 năm, có thể biết thế nào là âm thanh “đẹp”, nhưng chưa chắc đã biết âm thanh “hay”. Nghề này cũng vậy, bên cạnh sự tỉ mỉ, kiên nhẫn phải có chút năng khiếu nữa.  

Với ông Đặng Nguyên Hào, cây đàn piano giống như một tòa lâu đài rất lớn được làm bởi sắt, gang, đồng, nhôm… và vô số chất liệu khác. Cũng bởi cấu tạo phức tạp nên khi hỏng hóc loại đàn này rất khó sửa. Ông chia sẻ, đối với khí hậu phương Tây thì một cây đàn piano có thể để đến 50 năm vẫn không bị hỏng hóc. Trong khi đó, thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam lại là tác nhân gây ra sự co giãn những bộ khung gỗ hay sinh ra những “con nhạy” tấn công những miếng đệm bằng da, nỉ… Một nguyên nhân nữa là thói quen sử dụng khiến dây đàn có thể bị chùng, không phát ra được âm thanh mong muốn. Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, hàng chục cây đàn piano ở Học viện Âm nhạc Quốc gia đều một tay ông “bắt bệnh”, chỉnh âm.

Tài năng hiếm có

Nhắc đến NSND Đặng Thái Sơn hẳn ít ai biết, góp phần không nhỏ để tiếng đàn của ông được bay bổng, ngân vang chính là Đặng Nguyên Hào. Ông là người được NSND Đặng Thái Sơn tin tưởng gửi gắm cây đàn của mình trước mỗi buổi biểu diễn. Nói về NSND Đặng Thái Sơn, ông hết lời ngưỡng mộ. Có một lần, Đặng Thái Sơn biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội có nhờ ông Đặng Nguyên Hào lên dây đàn. Xong xuôi việc, ông Hào về nhà. Nhưng khi biểu diễn xong hết phần đầu tiên, NSND Đặng Thái Sơn bỗng phát hiện có 2 nốt bị biến âm, mà nguyên nhân gây ra do nhịp búa gõ xuống sai lệch tầm 0,5 giây. Sự khác biệt nhỏ này đối với người bình thường không ai nhận ra, nhưng đã không lọt qua đôi tai của người nghệ sỹ tài hoa. Vậy là ngay lập tức ông Đặng Nguyên Hào quay trở lại để sửa. Nói về kỷ niệm ấy, ông Đặng Nguyên Hào cho rằng Đặng Thái Sơn phải là người nghệ sỹ có “tâm hồn bằng pha lê” thì mới nhạy cảm và tinh tế đến vậy.

 Rong ruổi theo cái nghề tưởng chừng như thầm lặng, chẳng ai hay biết, nhưng ông Đặng Nguyên Hào cho biết mình thật sự may mắn khi gặp được những người nghệ sỹ lớn, hết mình vì nghệ thuật. Tiếng tăm về người thợ lên dây đàn số 1 của đất Hà thành mà ông Đặng Nguyên Hào có được, chính là nhờ sự tận tụy và tài năng hiếm thấy của ông. Từng có chuyện kể rằng, cách đây vài năm, ông Hào được điện thoại cấp tốc để lên dây cho một chiếc đàn Steinway cực kỳ đắt tiền của một dàn nhạc giao hưởng của Nhật Bản biểu diễn ở Hải Phòng. Lẽ bình thường, để nghe được âm thanh chuẩn, người thợ cần một không gian yên tĩnh tuyệt đối.

Nhưng lúc đó đã sát giờ diễn, trong khi bên ngoài cả dàn nhạc đang diễn tập, ở bên trong ông Hào một mình lên dây đàn, bất chấp âm thanh dội vào – một điều mà khó có người nghệ sỹ nào làm được. Nghề lên dây đàn tưởng đơn giản nhưng kỳ thực phải là những người có được sự rung cảm và tỉ mỉ, thì mới có thể nhận biết và lọc được ngần ấy cung bậc âm thanh và khiến âm thanh ấy đi vào lòng người. Đó có phải lý do, trong 36 nhân vật tiêu biểu được đưa vào cuốn sách “Người Hà Nội”, lại có một gương mặt bình dị mà vô cùng đáng quý, đó là nghệ sỹ của những thanh âm - Đặng Nguyên Hào.