Bắc chiếc cầu thịnh vượng

ANTĐ - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường cùng Đại sứ các nước Nhật Bản, Singapore và Peru vừa có các cuộc tọa đàm sâu rộng với Thống đốc các bang của Mỹ gồm Wisconsin, Iowa, Delaware, Mississippi, Colorado và Utah về tương lai của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Trao đổi thương mại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương
sẽ tăng mạnh khi TPP chính thức có hiệu lực

Đây là bước đi cụ thể nhằm đẩy nhanh sự ra đời của một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới. Là thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, TPP được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Sigapore ký ngày 3-6-2005 và có hiệu lực từ 28-5-2006. Hiện tại, có thêm 6 nước đang đàm phán để gia nhập là Australia, Malaysia, Peru, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam. 

Khỏi phải nói về tiềm năng của những nước tham gia TPP. Đó là hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Nhật Bản, là “con rồng” châu Á - Singapore, là những nền kinh tế mới nổi và đầy tiềm năng như Chile, Việt Nam… Các dự báo đều khẳng định khu vực châu Á – Thái Bình Dương giữ vai trò then chốt của phát triển kinh tế toàn cầu, bởi hiện nay khu vực này đóng góp gần 60% GDP toàn cầu và trên dưới 50% mậu dịch Quốc tế. Nếu tính từ năm 1990 đến nay, thương mại Châu Á – Thái Bình Dương đã tăng trưởng 300%, trong khi tăng trưởng đầu tư toàn cầu và khu vực này là 400%. 

Mục tiêu ban đầu của hiệp định là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước 1-1-2006 và cắt giảm bằng không tới năm 2015. Đây là thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền... 

Một khi chính thức có hiệu lực, TPP sẽ loại bỏ 11.000 dòng thuế của các bên và có khả năng sẽ đóng vai trò như một khuôn mẫu cho các điều ước mậu dịch trong tương lai của các nước thuộc APEC. Dưới tác động của TPP, một thị trường khổng lồ sẽ xuất hiện với hơn 790 triệu dân có tổng GDP là 27 nghìn tỷ USD (40% tổng GDP thế giới), bỏ xa Liên minh Châu Âu – hiện đang là khu vực thương mại tự do lớn nhất hành tinh, chiếm 20% GDP thế giới.

Chính bởi quy mô và tầm quan trọng của TPP nên quá trình đàm phán diễn ra không đơn giản. Trong số 29 vấn đề đàm phán, hiện các bên mới kết thúc thương lượng được 5 vấn đề là tạo thuận lợi thương mại, thống nhất tiêu chuẩn, viễn thông, phát triển, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, có 5 vấn đề được coi là gay cấn, trong đó nổi bật là tiếp cận thị trường hay dỡ bỏ thuế quan. Ngoài ra còn các vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và thương mại điện tử.

Mặc dù vậy, sau 18 vòng đàm phán (vòng gần nhất diễn ra từ ngày 14 đến 25-7 tại Malaysia), đã có tín hiệu hy vọng có thể kết thúc các vòng đàm phán TPP vào cuối năm nay. Lúc đó sẽ không còn những ranh giới giữa các nền kinh tế, sân chơi trên thương trường ngày càng rộng mở hơn và đương nhiên là cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. TPP sẽ trở thành chiếc cầu nối thúc đẩy phát triển và tạo việc làm giữa các nền kinh tế hai bên bờ Thái Bình Dương, giải quyết những lo ngại về việc thế giới sẽ bị chia nhỏ thành những khối thương mại riêng biệt.