Ba Vì vàng rực dã quỳ

ANTĐ - Tháng 11, niềm thích thú trước những cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang chưa kịp vợi bớt thì du khách lại có cơ hội thưởng thức thêm hoa dã quỳ ở Vườn Quốc gia Ba Vì. Đứng trên “Đồi dã quỳ”, sắc vàng bạt ngàn của Thủ đô mà ngỡ như đang ở Tây Nguyên.

Ba Vì vàng rực dã quỳ ảnh 1Rất đông dân du lịch bụi đi xe máy lên Ba Vì ngắm hoa dã quỳ

Dãy Ba Vì có ba đỉnh núi vươn lên. Cao nhất là đỉnh Vua 1.296 mét. Đỉnh Tản Viên cao 1.227 mét và đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131 mét. 10 năm nay, Ba Vì luôn là ngọn núi được dân du lịch bụi lựa chọn để kiểm tra sức khỏe trước khi muốn tham gia chinh phục đỉnh Fansipan. Ba Vì chưa bao giờ giảm sức hút với cánh mê phượt. 

Những năm 20 của thế kỷ trước, người Pháp đã có ý định biến Ba Vì thành nơi nghỉ dưỡng. Thời đó, Ba Vì vẫn còn có cả hổ và cả một làng săn thú ở chân núi. Hiện ở chân núi vẫn còn di tích Đền Đá Đen, với sự tích kể về một bà mẹ cụt chân và cô con gái. Hàng ngày, cô con gái đi kiếm củi bán lấy tiền để hai mẹ con sinh sống. Một ngày, bà mẹ chờ mãi không thấy con gái về, bèn chống gậy đi tìm. Đến khi thấy xác con gái bị hổ vồ thì bà kiệt sức và chết. Người dân dựng ngôi miếu nhỏ bằng đá đen tại đó để thờ 2 mẹ con nên gọi là Miếu Đá Đen. Năm 1995, có một số người phát tâm xây dựng ngôi miếu thành Đền Đá Đen khang trang như bây giờ. Nhiều người đến Ba Vì, trước khi leo núi đều vào đền thắp nén hương.

Người Pháp khi xây dựng nhà thờ và 9 ngôi biệt thự trên Ba Vì đã mang giống hoa dã quỳ này về trồng nơi đây. Sức sống mãnh liệt đã nhanh chóng biến dã quỳ thành loài hoa bản địa của Ba Vì. Cuối thu, đầu đông, khi sức hút của hoa tam giác mạch Hà Giang đã hơi chùng xuống thì những người ham xê dịch lại được thỏa mắt và ngập tràn cảm xúc khi lên núi Ba Vì với dã quỳ- thứ hoa mê hoặc của đại ngàn. Loài hoa dại này có rất nhiều ở Tây Nguyên, khi thì được gọi là cúc quỳ, lúc thì tên là dã quỳ. Nhìn thoáng, nó vừa giống hoa cúc lại vừa giống hoa hướng dương.

Chân núi Ba Vì của khi trước chỉ toàn thứ cây ổi dại, mâm xôi, xương rồng, hoa muối và lau um tùm. Giờ đây, ngay từ chân núi đã thấy hoa dã quỳ khoe sắc khiến những tay lái mê dốc cua tay áo mê mải vít ga xe máy lên tận cốt 700, nơi đường cụt là chỗ dã quỳ tụ lại cả một quần thể bạt ngàn được gọi là Đồi dã quỳ. Giữa rừng xanh bạt ngàn, dã quỳ hoang dại nhưng đầy kiêu hãnh. 

Vốn đã có kinh nghiệm đến các vùng rừng núi, dân phượt đi Ba Vì  sử dụng ủng nilon, nước bồ kết để chống vắt. Lạc vào thế giới của loài hoa này, dưới chân, phía trước, sau lưng, trên cao đều một màu dã quỳ vàng xen giữa màu xanh của lá, máy ảnh chụp mỏi tay. Nơi này, hoa dã quỳ mọc ở bất cứ đâu. Chỉ một cành dã quỳ rơi từ trên cao xuống cũng thành cây con. Nơi thì dã quỳ nở thành cả vạt đung đưa theo gió. Cũng có khi bắt gặp một bông dã quỳ cô đơn ven đường mòn. Khi đã mệt vì chụp ảnh và ngắm hoa, cũng là lúc hơi lạnh của núi ngấm vào cơ thể, đồ ăn được bày ra và một giấc ngủ trưa ngắn giữa rừng thực sự như món quà quý của thiên nhiên ban tặng. 

Tuy nhiên tại một điểm tham quan thú vị giữa rừng Ba Vì lại khiến cho chúng tôi vô cùng chán nản, đó là khu vực nhà thờ đổ với hình ảnh rác tràn ngập ở sân. Rác này do những người du lịch và cả những người đến đây chụp ảnh cưới với thái độ vô ý thức đã vứt lại. May sao, nhóm “Những người thích đi du lịch” trên Facebook vừa tổ chức được ngày tình nguyện dọn rác cho Ba Vì vào chủ nhật 23-11, trả lại cảnh quan đẹp nơi đây. 

Rời nơi đây, chỉ muốn nói với những du khách đến từ  những đô thị chật chội  các hộp bê tông và khói bụi rằng, nếu bạn đến với  Ba Vì để ngắm dã quỳ, thì chỉ nên để lại dấu chân và mang về những bức ảnh, đừng để lại thêm bất cứ thứ gì, ví dụ như rác.