Bà cô

ANTĐ - Có lần tôi nghĩ, hình như con người sống nghĩ suy và làm việc cho đến lúc mái đầu bạc trắng như bông cũng cốt để giải đáp những câu hỏi mà thời thơ ấu mình đã đặt ra. Nhắm mắt từ biệt thế giới rồi, những câu hỏi vẫn lởn vởn quanh nấm mồ xanh rờn cỏ mọc.

- Cô ơi, lớn lên cháu làm gì? - tôi hỏi bà cô đang ru đứa em nhỏ của tôi trên võng.

- Lớn lên cháu sẽ làm người - cô tôi nói, âu yếm.

- Làm người là thế nào hở cô? Thế còn nhỏ, cháu không phải là người à? - Tôi lại hỏi.

Đứa em gái của tôi lại khóc. Cô tôi không trả lời tôi mà bà vỗ vỗ vào chăn lót nó, ru cháu. Giọng ru của bà thật ấm dịu, ngọt ngào. Tôi nghe một cách say sưa, và quên đi câu hỏi của mình chưa được cô giải đáp. Cô tôi cũng không nhắc lại nữa. Có thể cô tôi không giải thích cho tôi được. Có thể cô tôi quên bẵng câu hỏi của tôi. Nhưng rồi một lần, tôi hỏi cô:

- Cô làm gì hở cô?

- Cô giữ các cháu, chứ còn làm gì nữa - cô tôi nói.

- Cô lớn thế mà cô không làm người à?

- Cái thằng chỉ nói dại!

Tôi cụt hứng, không hỏi nữa. Nhưng đầu óc tôi bởi thế mà âm âm i i như có tiếng cối xay suốt buổi. Cô tôi nói vậy, tức là cô đang làm người. Giữ các cháu là làm người. Chẳng lẽ lớn lên, tôi cũng đi giữ các cháu như cô để làm người? Tôi muốn lục vấn cô nhưng vì thấy thương bà, nên lại thôi. Mà làm sao không thương bà được. Bà đã giữ em cho bố mẹ tôi đi làm đồng. Chắc trước kia bà cũng giữ tôi như bây giờ bà giữ em gái tôi.

Có một dạo, tôi bỗng thấy vắng bà trong nhà. Dạo ấy, mẹ tôi chưa sinh em gái. Tôi đã hỏi mẹ tôi là bà cô đi đâu. Mẹ tôi nói, bà sang làng bên, giữ con cho một người cháu gái lấy chồng ở bên đó. Trong làng có ai sinh nở gọi bà, bà đến ngay. Khi rời đứa cháu này để đến với đứa cháu khác, bà thường mang trên vai một cái xéo vải, trong đó đựng mấy bộ quần áo, cái hộp đồng đựng cau trầu. Lưng bà hơi còng xuống, xéo vải trên lưng càng làm cho dáng đi của bà còng hơn. Bà già lắm rồi. Miệng không còn chiếc răng nào. Cái cối giã trầu bằng đồng của bà lấm tấm những vết vôi trắng, còn cái chìa của nó có ba răng thì cũng đã mòn tù. Vậy mà không mấy khi thấy bà buồn. Trẻ con trong làng, hễ thấy bà là chạy theo chào hỏi. Bà nhớ tên từng đứa một, và còn biết rõ đứa nào hay đái dầm, đứa nào hay khóc thét và đứa nào hay nhè. Tết nào tôi cũng được bà mừng tuổi bằng tờ bạc hai hào mới cứng. Hai hào có thể mua được một gói kẹo ngọt, hoặc mười cái pháo hoa thăng thiên.

Tôi cứ đinh ninh bà là chị ruột bố tôi. Lâu lắm, tôi mới biết bà không phải chị ruột bố. Bà là người họ hàng xa bên nội nhà tôi. Hồi còn con gái, bà có nhan sắc. Nhiều người phải lòng bà. Bà lấy chồng được năm năm thì người chồng bảo bà không có con, đòi lấy vợ hai. Bà bỏ nhà chồng về ở với mẹ. Lúc ấy, bà còn tuổi thanh niên. Nhưng đàn ông trong làng tin là bà không sinh nở được nên không ai đến hỏi bà làm vợ nữa. Hai mẹ con ở với nhau, mẹ bà qua đời, bà ở một mình cho đến già. Khi thấy không thể sống đơn độc được mãi, bà đi giữ con cho hầu hết các gia đình trong làng. Bà sống với trẻ con như vậy, dễ đến mấy chục năm rồi. Và trẻ con trong làng đều gọi bà là cô.

Khi đứa em gái tôi đã cứng cáp, cô tôi sửa soạn quần áo bỏ vào chiếc xéo vải. Hôm ấy, bố mẹ tôi làm một bữa ăn tiễn cô. Bà không ăn nhiều, chỉ luôn tay gắp cho anh em tôi những thức ăn ngon dành riêng cho bà. Khi tiễn bà đi, tôi mang hộ bà cái xéo vải ra ngõ, còn bà thì bế đứa em gái của tôi. Đến đường cái lớn, bà mới trao lại em gái cho mẹ tôi.

- Con chó con của cô, lớn lên như một nàng công chúa nhé! - Bà nói - Còn cậu hoàng tử này đừng hỏi cô nhiều như thế nữa. Lớn lên, cháu sẽ tự trả lời lấy. Cô không thể trả lời thay cho cháu được.

Bà đi về phía cuối làng. Lá tre khô rơi xuống mái tóc bạc trắng của bà, rơi xuống cái xéo vải màu nâu cũ kỹ của bà.

Tôi không ngờ, chỉ mấy hôm sau, bà qua đời ở một gia đình cuối làng, nơi có một đứa trẻ con mới ra đời được mấy ngày.

Trẻ con trong làng đi đưa đám bà đông nghịt. Chúng tôi khóc to khi người lớn đặt quan tài bà xuống huyệt. Tôi còn nhớ, hình như trong lúc kêu khóc trên nấm mộ của bà cùng với những đứa trẻ khác, tôi đã gào lên cái câu hỏi mà có lần tôi đã hỏi bà:

- Làm người là thế nào hở cô?

Cũng có thể là trí nhớ của tôi không được rõ ràng cho lắm. Thời gian như gió cuốn thổi qua trí nhớ con người, làm bào mòn trí nhớ. Nhưng không hiểu sao tôi cứ đinh ninh là mình đã gào lên như vậy trước nấm mồ bà cô, nấm mồ của con người mà tôi không thể nào quên được. Tôi tin điều ấy, vì cho tới lúc trưởng thành rồi nhiều lúc ngồi ngẫm nghĩ, câu hỏi ấy lại vang lên trong đầu “làm người là thế nào?”. Mỗi lần như vậy, tôi lại tìm thêm một cách giải đáp cho mình. Có lẽ mãi mãi, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay tôi còn phải đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi tuổi thơ tôi. Có những câu hỏi như thế đấy, nó mãi mãi dành riêng cho con người trên trái đất.